Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Diễn Đàn


...... ... .

 
 

Thư Góp Ý Ông Tịnh Hải
nhân đọc bài của ông Bảo Quốc Kiếm


Quảng Trí

Kính gởi Trang Nhà Quảng Đức (www.quangduc.com) Melbourne Australia

Đây là một ít ý kiến gởi đến cư sĩ Tịnh Hải nhân đọc qua bài của Ông Bảo Quốc Kiếm. Hy vọng lá thư này Cư Sĩ Tịnh Hải sẽ đọc để biết thêm ý kiến của những người ái mộ pháp tu Tịnh Độ. Chúng con chỉ là một Phật tử bình thường như các Phật tử đó đây. Tuy nhiên con cũng xin Thầy, là chủ biên Trang Nhà Phật Giáo, nên đón nhận ý kiến một cách khách quan, nhưng phải khách quan trong sự đón nhận những bài vở mang tính ôn hòa bao dung, không chấp trước, khiêu khích bằng những ngôn từ quá khích, nặng nề, như thế mới đúng trang nhà Phật Giáo. Vì giáo pháp Phật chẳng có kẻ thù, chẳng phân biệt người thương người ghét; chẳng qua chúng sanh căn tánh bất đồng nên lạc lối, chúng ta chỉ xót thương và gắng giúp nếu được. Với ý con như vậy, nên bài Ông  Bảo Quốc Kiếm nếu không nặng lời bình phẩm một chút (qua cách điểm tên), thì bài góp ý phê bình Ông Tịnh Hải hay hơn. Có thể Ông Bảo Quốc Kiếm sẽ đồng ý với con. Tuy nhiên cũng do đọc bài viết của Ông con mới có cơ hội đặt ra vấn đề Ông Tịnh Hải.

 Kính thưa Ông Tịnh Hải và ông Bảo Quốc Kiếm cùng quý đọc giả xa gần, chúng tôi là một đọc giả thường xuyên theo dõi trang nhà Quảng Đức, mục đích để học Phật pháp. Nhận xét của chúng tôi, trang nhà nay dồi dào Kinh sách, bài vở, nhất là khách quan vô tư ngôn luận thuận theo chánh pháp của một trang nhà thông tin về Phật sự, tôi thật tán thán Đại Đức Nguyên Tạng, chủ biên trang nhà. Qua mấy ngày nay tình tôi đọc được bài viết của ông Bảo Quốc Kiếm viết phê bình và chỉ trích cư sĩ Tịnh Hải được đăng trên mục Diễn Đàn của trang nhà. Việc này  làm tôi xót xa cho thời Phật pháp bây giờ. Nhất là, tôi đang tu pháp môn Tịnh Độ.

Bài viết ông BQK nói lên những điều sai về cư sĩ Tịnh Hải, tôi đồng ý, tuy nhiên ông BQK lại đặt nặng chính trị, có lẽ tác giả sốt sắng lo sợ ông là Cộng Sản thật, nhưng tôi nghĩ việc này không đúng lắm, vì những kêu gọi hoạt động cho việc làm ông Tịnh Hải và ý bài, nội dung trong những cuốn sách ông viết chỉ thái quá về việc “dạy” người niệm Phật. Đây là nhận định chủ quan của tôi.

Đến đây tôi xin có ít ý kiến về ông Tịnh Hải. Cũng xin góp phần nào giúp một vài người khỏi phải hoang mang, chưa biết thế nào việc làm của ông Tịnh Hải xưa nay có đúng hay không? Và pháp môn niệm Phật như ông đã rầm rộ “quảng cáo” ảnh hưởng đến những người hăm mộ ông thì sao!.

Kính thưa Ông Tịnh Hải

Tôi phải nhận rằng, ông đã có công, có sức ưu tư lo lắng việc giúp người niệm Phật, giúp người tiến đến con đường giải thoát một cách ngắn gọn và chắc chắn qua pháp môn Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà. Công đức này tôi xin khâm phục và cũng kính trọng ông. Tuy nhiên tôi cũng cần góp ý đến ông một điểm, là ông không nên vì sự hết sức sốt sắng quan tâm lo lắng về mọi người phải nên niệm Phật mà quá đà đi xa, đi xa đến nổi làm mất cái hay cái đẹp của Phật pháp nói chung, và pháp tu niệm Phật nói riêng. Tôi đoán được tâm cảm ông, đang hăng say hoằng truyền pháp tu Tịnh Độ niệm Phật, lại biết và nghe Đại Sư Tịnh Không một vị chân tu chuyên hoằng Tịnh Độ, thì cơn say của ông càng chất ngất hết mức.  Đến đây tôi sẽ nói những điều sai của ông:

Ông chắc chắn biết là dòng pháp Giải thoát của Như Lai bao trùm cả vụ trụ, không một nơi nào không hóa hiện, điều này vì chúng sanh muôn loài muôn cảnh, và tâm thức vô cùng phức tạp. Chính nguyên nhân này kinh Phật hay đề cập có đến 48,000 pháp tu để chia sẻ đến mọi loài. Ngay như thời mạt pháp này, sư thật pháp tu Niệm Phật phải nói là hợp thời nhất không một pháp môn nào qua được, NHƯNG cũng không vì vậy mà mọi người phải tin theo. Ông nên nhớ chỉ có Trung Hoa, Việt Nam, Đài Loan, và một số ít người ở Nhật và Đại Hàn  tu pháp môn niệm Phật, ngoài ra các nước Phật giáo nổi tiếng khác hiếm có tin niệm Phật vãng sanh, có khi không ít Phật tử chẳng nghe đến Pháp tu này (niệm phật)! Như: Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Lào, Miến Điện, Tây Tạng, và một số quốc gia mới vừa được đạo Phật du nhập vào vài thập niên nay, như: Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Úc Đại Lợi v.v.... (chúng tôi nói vài thập niên, là tính thời gian phát triển thấy rõ, chứ không tính từ lúc mới nhập vào) Vậy thì ông nghĩ sao? Hơn mấy trăm triệu vị tu Phật đó gồm cư sĩ và tu sĩ sẽ bị luân hồi hết, vì tu sai, tức là chỉ có Tu phước : tụng kinh, ngồi thiền, giữ tâm thanh tịnh, bố thí, nhẫn nhục, giảng dạy Phật pháp, tạc tượng Phật, xây chùa v.v… ?

Nếu nói như ông, một cách nói tha thiết nhưng cao ngạo, vì gồm hết các vị chân tu và Bồ Tát trong đó mà không biết tu niệm Phật, sẽ chẳng giúp được gì người khác thoát khỏi luân hồi !?

Bồ Tát khi xuất hiện vào cõi đời, các Ngài phải thị hiện mọi hình tướng độ sanh, và tất nhiên không phải chỉ hiện nơi đất nước nào chỉ có ĐẠO PHẬT ! Nếu vậy thì đâu phải là Bồ Tát! “chúng sanh vô biên thề nguyện độ”. Vậy thì khi đã thị hiện vào một nơi không có đạo Phật thì làm sao có pháp môn niệm Phật mà dạy !!! Xin ông trả lời cho chỗ này ??? . Thôi để tôi trả lời luôn cho ông! Thế là Bồ Tát phải hành xử như một Bồ Tát là tùy thuận chúng sanh, để dần dần tập cho họ tu NHÂN ĐẠO, rồi từ đó mới có duyên làm lành hành thiện, để rồi tương lai nhiều kiếp sẽ gặp PHẬT, vì hễ có duyên lành thì gặp bạn lành. PHẬT cũng chỉ là người bạn lành nhưng một người bạn lành VĨ ĐẠI TUYỆT VỜI, và bấy giờ Bồ Tát lại thì hiện lần nữa tìm số người đó (tu Nhân đạo) dạy cho pháp tu Niệm Phật. Cho nên nói theo cái kiểu không suy xét, không định tỉnh chánh niệm như ông, thì làm sao độ được ai. Ông có biết là hiện những liên hữu tu niệm Phật được ông giúp! hay đang giúp ông! họ cũng đã từng là những vị đi vào đạo Phật bằng biết bao phương tiện nhân duyên: đọc sách, đọc kinh, đi chùa chơi, nghe bạn kể chuyện tích Phật, dự đám ma người bạn, cha, mẹ, anh, em rồi thấy lý vô thường mà tin Phật và hàng trăm ngàn nhân duyên phương tiện khác… những trường hợp như vậy có phải Phật pháp hiện ra vô số pháp tu giúp người tỉnh ngộ! Không chừng trong những liên hữu đó, có người biết đạo Phật trước ông nữa kìa! Vậy mà ông mới biết tu niệm Phật gần đây lại ra vẽ hết sức quá độ, “ dạy” người một cách chẳng khôn khéo gì! 

Gặp một người trí thức Bác sĩ, Kỹ sư, Tiến sĩ… họ chưa bao giờ biết đạo Phật là gì, rồi liền bảo người niệm Phật, thì người ta có hiểu không! Gặp người ngang tàng, hung dữ chẳng cần biết đạo lý, kêu họ niệm Phật được không? Và còn hàng trăm thí dụ nữa, không cần kể ra sẽ dài dòng ! Cho nên Bồ Tát phải thị hiện đưa họ vào đạo Phật bằng đủ pháp tu: Nhân đạo, Thiên đạo, cho đến cao hơn là Thiền, Mật, Luật v.v…rồi khi họ hiểu, sẽ có nền tãng “chủng tử Phật”, từ đó họ sẽ tự động thấy được căn tánh của chính họ trong thời đại Phật pháp đang lưu hành. Tôi còn nhớ một câu trong giới Phật tử trí thức thật tu thật học, nói rằng “Học thì học Duy Thức còn tu thì tu Tịnh Độ”, Vậy thì Ông Tịnh Hải thấy chứ! Người niệm Phật còn phải cần một kiến thức cao sâu, để có thể hiểu mình, hiểu người (Môn Duy thức học vượt xa môt Tâm lý học thế gian rất nhiều) làm phương tiện đưa hàng trí thức bên ngoài vào Niệm Phật -  Chứ đâu như Ông khẳng định ôm chấp một cách chẳng sáng suốt chút nào ! Trong lá Thư ngõ của ông trang 39, viết như sau: Điều quan trọng phải tìm hiểu vị Sư kia có biết giảng pháp hay không. Sư mà không biết giảng pháp, chẳng có tinh thần độ sanh, thì chùa biến thành nhà ở, dù rằng nơi đó có thờ Phật” Câu này ông nói hay Đại sư Tịnh Không nói ? Tôi nghĩ Đại sư không nói như vậy, nhưng nếu Đại sư nói như vậy, thì ý Đại sư cũng không bao giờ tạo ra sự bất lợi qua câu nói trên, và chính ông là người đưa lên câu nói ấy lại không giải thích thì quả thật ông chẳng hiểu Phật pháp gì. Ông biết là thế giới hiện nay có bao nhiêu Sư Thầy, và trong số Sư Thầy có bao nhiêu vị không chuyên thuyết pháp? Nếu như biết thuyết pháp mới có tinh thần độ sanh, thì Giáo Hội Phật Giáo các nước phải mở trường dạy thuyết giảng trước khi cho giới tử xuất gia, thế mới hợp tinh thần tu sĩ là phải có tinh thần độ sanh.!!! Tôi không hiểu cư sĩ Tịnh Hải hiểu Phật pháp ra sao???

Tu Phật phải là Từ bi, Trí huệ; khi được hai thứ này, thì người tu đó có thuyết pháp, hay không thuyết, có tụng kinh, hay không tụng kinh, có ăn hai buổi hay ba buổi, hoặc một buổi, nửa buổi gì cũng không bao giờ đi xa Phật pháp, và chắc chắn cuộc đời người đó sẽ gần Phật trong tương lai. Nếu như thiếu một trong hai, Từ Bi và Trí Huệ, thì có thuyết pháp cũng thành cái gì đâu đâu chẳng ích gì cho người tu đó, lại chưa chắc giúp được mấy người tu theo đúng chánh pháp. Nếu bảo mọi người chọn một ông sư thuyết giảng hay, nhưng chẳng có từ bi (không từ bi cũng có thể sinh ra phá giới và khi phá giới thì sẽ chẳng có định và như thế chỉ là lời thuyết suông, dối gạt người dù hay đến đâu cũng vậy), thì chắc mọi người sẽ chọn ông sư không biết thuyết pháp nhưng sống từ bi trong một tinh thần sáng suốt của trí huệ thuận theo chánh pháp.

Một ngôi chùa có vị trụ trì giới hạnh trang nghiêm từ bi, trí huệ, nhưng vì không có lợi khẩu thuyết giảng bởi do tiền nghiệp quá khứ thế nào mà chúng ta không biết được, thì hiểu theo ông Tịnh Hải đã viết trong thư ngõ, chùa đó biến thành nhà? Tôi thật buồn cho ông, như vậy mà cũng phổ biến những điều quái gỡ, dị thường y như phá pháp.

Cũng trang đó ông viết: H.T . Tịnh Không nói: “Không cần cúng dường, không cần đạo tràng, điều gì cũng không cần, tâm sẽ thanh tịnh, đó chính là đạo tâm. Chính mình tu tâm thanh tịnh, giúp người khác tu thanh tịnh Tâm.” Qua câu này ông Tịnh Hải đã thấy HT Tịnh Không có nói gì đến niệm Phật vãng sanh ? Thế mà ông đi dạy bảo khuyên người khẩn cấp mau mau niệm Phật bỏ hết những lối tu còn luân hồi xưa nay! Và điều này tôi đã đưa ra ở trên, tu Phật có nhiều pháp môn như thế, chẳng khác gì HT Tịnh Không khuyên người nên giữ cách tu làm sao thanh tịnh. Có điều Đại sư đưa ra cách tu là: không cần/cúng dường/ đạo tràng/ điều gì cả…sẽ được tịnh tâm. Thật tình cách tu này quá khó, tôi không biết cư sĩ Tịnh Hải có hành được không, và tôi cũng không biết Đại sư đã hành thế nào, tuy nhiên với Đại sư Tịnh Không tôi lúc nào cũng kính ngưỡng và học được rất nhiều từ các bài giảng của Ngài. Tuy vậy điều Ngài dạy có mấy người làm được đây, và có lẽ trên con đường tu hành muốn tâm thanh tịnh, thì từ từ mà tu tập thôi. Rất tiếc ông Tịnh Hải trích lời Đại sư mà không biết giải thích, thế là sai ý Đại Sư, như vậy không nên trích lời của Ngài nữa.

Ông Tịnh Hải có biết rằng Đại Sư có được như hôm nay là nhờ biết bao nhân duyên trong quá khứ không? Chính Đại sư cũng khai ra như vậy trong một vài băng giảng của Ngài. Ngài đã có một thời gian dài sống nhờ một vị cư sĩ Ưu Bà Di tín tâm thuần đạo, và những bậc Thầy dạy đạo; những vị như vậy cũng lại nhờ biết bao nhân duyên: cúng dường, đạo tràng, và đủ thứ. Thế thì câu nói của Đại sư thế nào? Tất nhiên phải hiểu, Đại sư dạy người đừng quá mê chấp vào hình tướng vì “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” trong kinh Kim Cang, được như thế mới có tâm thanh tịnh. Còn những cư sĩ thông thường như hầu hết cư sĩ trên thế giới này thì sao? Tất nhiên, tất nhiên phải cần cúng dường, phải cần đạo tràng. Tôi không thể giải ra vấn đề này, vì sẽ mất nhiều lời, vì Ông hẳn hiểu. Nhưng thật lạ, vì sao hiểu mà không giải thích? Thế là Ông cũng chẳng hiểu! Hay vì quá tự cho mình có công khuyên người niệm Phật thật nhiều, nên muốn ghi chép sao cũng được. Tôi xin nói lược thật nhanh. Một vị tu Phật mà chẳng tu cúng dường thì khó lắm mới diệt lòng tham, ấy chưa nói đôi khi mình cúng dường “nhằm” một vị Bồ Tát thật ! Và cái gì để tồn tại cho mình có cơ hội cúng dường, có cơ hội giới thiệu Phật pháp đến người khác, đó có phải là đạo tràng chứ còn gì! Đạo tràng tự nó là nơi phát triển tâm linh không hại gì cả, chỉ vì người trụ trì có lỗi không tu, chớ nó nào có lỗi. Ông Tịnh Hải nên biết chính đức Phật còn phải cần phương tiện có Đạo tràng để tránh mưa gió thiên tai mà dễ hành đạo.

 Ngày đầu tiên quyển sách “những chuyện vãng sanh lưu xá lợi” xuất hiện tại Úc, thật tình thấy mừng làm sao, mừng cho sự kiện linh nhiệm cụ thể đã hiển linh được bày ra từ pháp môn niệm Phật. Thật tình người đang tu Tịnh Độ được sách như vậy, còn gì quý hơn trên cõi đời này!  Thế là sách được ấn tống tại Úc, (chùa Pháp Bảo). Tôi cũng thầm cám ơn tác giả “Tịnh Hải” đã bỏ công sưu tầm. Riêng tác giả thì mừng quá mức, dĩ nhiên mừng cho người khác tin được mà lo tu, lo niệm Phật vãng sanh. Thế là tác giả tái bản, và bổ túc thêm vài chuyện vãng sanh nữa. Nhưng không ngờ từ cái đẹp này tác giả bước đi quá xa, đến nổi dữ kiện thu thập tài liệu không được kiểm chứng, cứ hễ ai chết mà có “xá lợi” ( Xá lợi hiểu theo cái kiểu Ông, cho nên Ông la làng trong sách là VÔ SỐ XÁ LỢI!!! Việc xá lợi tôi vẫn tin, nhưng cái VÔ SỐ thì tôi KHÔNG BAO GIỜ TIN, tôi nghĩ chắc chắn người khác cũng nghĩ như tôi về cái VÔ SỐ đó) là cho người đó tu niệm Phật vãng sanh, thậm chí cã hai vị tu sĩ: Đạo Chân Vũ khắc Minh, Đạo Chân Vũ khắc Trường tại chùa Đậu, Hà Tây; từ xưa nay người ta ai cũng nghe qua nhị vị là Thiền sư, vậy mà cư sĩ Tịnh Hải cho là đã niệm Phật nhập thất, với tựa đề thật lớn và y như quảng cáo “HAI THIỀN SƯ VN NHẬP THẤT NIỆM PHẬT 100 NGÀY LƯU LẠI “TOÀN THÂN XÁ LỢI”. Nhưng điều này cũng có thể đúng, vì Thiền sư cũng niệm Phật, (13 vị tổ sư Tịnh Độ trong đó hơn phân nữa là Thiền sư, sách “ Mấy Điệu Sen Thanh”– HT Thích Thiền Tâm) tuy nhiên đọc bài viết của tác giả ĐĐ Thích Thanh Nhung, (trang 409 Niệm Phật cách nào chắc được vãng sanh) cả một bài viết chẳng có nói gì hai thiền sư đi vào nhập thất bằng pháp tu niệm Phật. Chỉ có lời di chúc : “Ta vào nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm Phật, sau đó xác thân sẽ được giữ nguyên”, với câu nói như vậy mà ông Tịnh Hải dám khẳng định nhập thất niệm Phật 100 ngày...! Nói y như là hai vị tổ chuyên tu Niệm Phật. Và theo chúng tôi câu văn ghi trên cũng chưa chắc là nguyên văn của Thiền sư. Vì mệnh đề sau của câu văn trên“…sau đó xác thân sẽ được giữ nguyên”, nghe có vẽ còn cái gì đó chấp vào công phu, tự chứng! Và lại theo giọng văn thì đây là lời nói của người kể lại, chứ không phải Thiền sư phát ra, cho nên theo tôi đây không phải vậy. Vì một thiền sư chắc chắn chẳng cần nói gì khi đi vào thất, và dù có nói thì cũng không phải vậy. Nhưng với Ông Tịnh Hải thì hễ nghe nói có tiếng niệm Phật là cho nhập thất niệm Phật.

Thật cần gì để phải la lớn lên vậy, khi việc niệm Phật vãng sanh xưa nay đã có từ lâu và quá rõ ràng. Thế là tôi cảm thấy không còn hứng thú mến phục ông nữa. Và như thế từ khi quyển “ Những chuyện vãng sanh lưu xá lợi” được ông tái bản bên Hoa Kỳ cho đến những tác phẩm sau, đã trở thành mất hay.

Âu đó cũng là quá sốt sắng đến mất định tâm, quên rằng tu Phật học Phật phải định tâm bình tỉnh, Ông tưởng rằng mình là người thấy niệm Phật trong lý trí sáng suốt nhất mà hiếm có người thấy như vậy, nên bắt đầu không còn định tâm để từ đó dùng những lời lẽ bất kính đến chư Tăng Ni. Tội này, chỉ có cách là vãng sanh mới chuyển nghiệp được, chứ không vãng sanh thì công đức của cư sĩ cũng khó bù lại lắm.

 Một sự lạ đời nữa “lá thư xanh” Không biết hiện thời Ông đã được bao nhiêu người đồng tình, đủ để tạo thành một Đại Hội như Ông ao ước??? Cũng may Đại hội mà ông kêu gọi tổ chức ấy không đi đến đâu, chứ nếu thành công, thì có lẽ có người thì thầm rằng, Ông là Tổ Tịnh Độ bên Mỹ rồi ! Còn Ông thì cái Ngã (mạn) chắc to lớn cở nào !!! (tiếp tục chỉ dạy chư Tôn Đức).

Trong bức thư xanh, phần mở đầu ông đã tỏ ra là người thiếu thận trọng, cẩu thả và cống cao ngã mạn khi ông nói rằng chỉ có mỗi mình ông là người có cơ duyên đọc được Kinh Niệm Phật Ba La Mật ( bản dịch của HT Thích Thiền Tâm) còn chư Tôn Đức Tăng Ni, Phật tử khác thì không tụng đọc và nghiên cứu như bản thân ông, ông viết: “Do một duyên may đệ tử đọc được Kinh này, mà đệ tử biết rằng hầu như đa số Tăng, Ni ít biết kinh này, chứ chưa nói rằng đã nghiên cứu.” (trang 484 phụ bản của sách Những chuyện niệm Phật vãng sanh…tái bản ở Hoa Kỳ). Trên thực tế, bản Kinh này đã phổ biến tại Việt Nam từ lâu, và được ấn tống rộng rãi tại Úc từ năm 1997 trước khi bản Kinh này được phổ biến trên đất Mỹ rồi ông mới có dịp để đọc quyển Kinh này, vậy mà ông dám lộng ngôn cho rằng ông là người có duyên thọ nhận và truyền bá quyển kinh ấy.

Quả là Ông xem Thầy Tổ chẳng là gì, ông xem trời bằng vung, Quý Thầy đã đồng chơn nhập đạo, sống hết cả cuộc đời trong chốn Già Lam; niệm Phật có thể tính cả triệu lần trong tâm và trên môi, đã ít nhiều lặn lội trong kho tàng kinh điển, khả dĩ nhận định được tâm cảnh mình, ngoại cảnh đời, và chắc chắn ưu tư về cuộc đời tu sĩ. Bấy nhiêu đó, như vậy mà Ông hình như xem các Ngài chẳng hiểu gì nên mới kêu gọi lá Thư Xanh. Ông có tấm lòng đấy, nhưng sao không biết niệm Phật trong định tỉnh, trong chánh niệm kính người, quý người, như các vị cư sĩ đáng kính: Cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền, mới đây nhất là cố cư sĩ Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng – bên Trung Hoa thì Ông lại quên mất vị cư sĩ thuần tu, thuần niệm (niệm Phật) Vương Nhựt Hưu, người đã viết cuốn niệm Phật nổi tiếng “Long Thư Tịnh Độ”, và còn nhiều nữa mà chúng tôi chưa biết. Sao Ông không nhìn theo các vị đó, Tôi cứ tưởng Ông là một Vương Nhựt Hưu thứ hai, tôi thật mừng, nào ngờ Ông đã làm cho mọi người ít nhiều có thành kiến với pháp tu niệm Phật!!! Vì Ông nhấn mạnh một cách không suy nghĩ, cứ cố cho là xưa nay quý Thầy tu chẳng đúng đâu, nhất là chùa chiền chỉ có tu phước! Lại kêu gọi sửa cách tu, sửa luôn cả Bát Quan Trai v.v…Tôi không ngờ Ông niệm Phật thế nào, lại nhìn thấy lỗi người ta, khi người ta không niệm Phật! Ông có biết, nếu không tu Phước thì làm gì có Huệ, nếu không có chùa xưa nay, thì làm gì Ông biết pháp môn Tịnh Độ. Niệm Phật trong chánh niệm dễ được vãng sanh nhất là không còn phân biệt, đối đãi chấp trước, Ông hâm mộ, ngưỡng kính HT Tịnh Không mà lại đi ngược lời Ngài dạy, tức là quá CHẤP. Sự tìm đến pháp tu Niệm Phật của Ông mới có vài năm, mà tôi cứ tưởng Ông tu niệm Phật từ hồi nhỏ mới sanh ra! Ông nên đọc lại LONG THƯ TỊNH ĐỘ để học Ngài Vương Nhựt Hưu, một vị cư sĩ khuyên người niệm Phật, khuyên cả quý tu sĩ nhưng lại chân thành kính mộ, có đâu như Ông, khuyên mà như chỉ dạy quý Thầy lại còn chê truyền thống tu xưa nay nữa. Niệm Phật nào mà tâm lại vươn cao dữ vậy! Tưởng mình chân thành, nhưng thành thất kính. Ông phải xem lại kinh Kim Cang, đến ngay như đắc Thánh quả mà chẳng thấy đắc mới là chứng đắc, (bởi cho mình chứng đắc là ngã mạn rồi). Niệm Phật mà quên mình niệm Phật, mới là niệm Phật, nghĩa là chỉ có niệm Phật ngoài ra không có chấp chước phân biệt, như vậy thì việc làm của mình mới hợp với niệm Phật mà chẳng cần niệm Phật vậy mới rốt ráo là niệm Phật, có thế ai mà chẳng kính mộ, và bắt chước theo mình, để đâu phải làm lá thư xanh “không tưởng”! Đến ngay cả việc dùng từ xưng hô đề cập đến quý Thầy, cư sĩ cũng bất kính, như việc HT Trí Chơn, dù Ngài “được” mọi người gọi là Hòa Thượng xe buýt, nhưng gọi như vậy chứ ai dám giởn gọi trước đệ tử Ngài, nói chi đến trước Ngài, ấy vậy mà Ông một Phật tử niệm Phật thuần thành chẳng nễ kính gì nên cho in ra hàng chữ đậm lớn nơi bản tin tường trình Phật thất “Đúng hay sai Hòa Thượng xe Buýt biến đổi” Tôi không hiểu tâm Ông tu Phật ra sao! Lại HT Tâm Châu, là bậc tu hành, Ông lại nói rời THÁP NGÀ !!! Tháp ngà ở đâu ??? Có lẽ Ông tự xem mình niệm Phật có tầm cở, cho nên không cần phải thận trọng, cứ buông lời là viết!!! Nếu không tìm được chữ hay lời đẹp, mà lại muốn viết, thì nên đưa bản thảo cho người khác xem, và phải là quý Thầy Cô mới thấy được những gì thuận theo chánh pháp để góp ý cũng như hay chia sẻ, hoặc ít ra còn các vị cư sĩ trí thức có thể giúp mình nhận xét, sửa sai những lỗi mình vô tình; điều này là việc tự nhiên bắt buộc mà một người cầm viết phải dè dặt khiêm nhường nhất là viết về Phật pháp, nếu không sẽ gây ngộ nhận cho những người đang bắt đầu học Phật, tu Phật.

 Tựa đề quyển sách “Niệm Phật Cách Nào Chắc Được Vãng Sanh”, đọc cái tựa này, chẳng khác gì đọc quảng cáo “Đầu tư ngân hàng cách nào chắc được làm giàu! hay Xử dụng điện nước cách nào chắc tiết kiệm được tiền bạc trong gia đình v.v…” Ông xem việc tu niệm, như là chuyện đùa, xem việc vãng sanh linh nhiệm, nhiệm mầu như là bài bản quảng cáo! Trong khi điều này thật dè dặt, khiêm nhường chẳng dám nói ra đối với người tu. Đúng là hứng chí nên viết quá đà, chẳng còn ý nghĩa gì cả. Nhưng phải chi Ông có thể lý giải một cách cụ thể khoa học, tuyệt vời theo tựa đề trong quyển sách đó, với một tâm giác ngộ mà người đọc có thể cảm được! Tiếc thay đọc qua chẳng thấy yếu nghĩa mạch lạc rõ ràng, toàn lập đi lập lại những biện luận chẳng lạ gì, và đa phần trích từ băng giảng của HT Tịnh Không.

Bất cứ hình ảnh ở chùa nào mà Ông thu thập được chỉ cần nghe qua “một tiếng niệm Phật”, là biến thành nơi đó có Phật thất, thế là đủ cho Ông rầm rồ tuyên bố không một chút dè dặt, nhún nhường!

Việc Hòa Thượng Đức Niệm viên tịch, thì cái đẹp của Thầy khi còn sống sẽ nói lên việc vãng sanh hay không, điều đó ai chẳng biết; hơn nữa Thầy thiền, tịnh song tu, thì Thầy dư biết việc sẽ đi về đâu. Thầy có thấy Phật A Di Đà thì việc này lại cấm kỵ nói ra theo tinh thần giác ngộ đạo Phật, chỉ khi nào nói ra là một phương tiện lợi người lợi mình, ngoài ra chỉ có hại hơn là lợi đối với bậc tu hành chơn chánh. Và dù Thầy có nói ra vì lợi, thì người Phật tử cũng không nên rùm beng quảng cáo như Ông vậy. (cũng trong bản tin tường trình Phật thất trang đầu “Cố HT Đức Niệm thấy Phật 2 lần vậy Ngài đã được vãng sanh chăng ?”

Chúng tôi muốn nói nhiều lắm, nhưng thôi chỉ bấy nhiều lời chân tình gởi đến Ông, mong rằng Ông từ đây hãy khiêm hạ, khiêm nhường, dè dặt, trong vấn đề rùm beng quảng cáo việc niệm Phật, để tránh người khác nghe mà bực, vì tâm Ông quá tự đại, lại lấy dữ kiện đâu đâu, chẳng nắm rõ sự việc một cách rõ ràng, mà tuyên bố đủ thứ. May mà chỉ có một cư sĩ Tịnh Hải, chứ mười, hai mươi như cư sĩ thì chắc thế nào trong mười, hai mươi vị đó phải có ít nhất vài vị xem thường chư Tôn Đức cở nào!

Ông nên đổi lại cách hoằng truyền Tịnh Độ đi ! Bằng cách nào làm sao mình tu niệm Phật mà người tu Thiền, tu Mật, hay không tu gì cả cũng không “ghét” mình, cũng thương nễ mình thì đó mới là đúng người biết Niệm Phật. Và nếu có thế lực ma ghét mình thì họ cũng không có cớ để mà ghét, không có biện luận lại chân lý mình theo.

Lần nữa đồng ý Ông có công tạo được duyên lành, một số người chưa bao giờ nghe niệm Phật vào niệm phật qua tác phẩm đầu tay “những chuyện…”, được gởi khắp nơi, về đến Việt Nam, nhưng sự tự cao và xem mình quá lớn đã phải vướng vào một điều nặng trong Phật pháp. Ông hãy đọc kỹ lại những tác phẩm của Ông sẽ rõ, xem tôi nói có đúng không.

Bấy nhiêu lời thăm Ông chúc Ông hãy lo niệm Phật trong chánh niệm như thuở ban đầu Ông tập niệm Phật vậy. Và tôi xin giới thiệu Ông nên đọc lại những sách dạy niệm Phật của người đi trước: HT Thích Trí Thủ – Pháp Môn Tịnh Độ, HT Thích Thiền Tâm – Niệm Phật thập yếu…Chắc Ông rõ HT Thiền Tâm lắm, vị Thầy có thể được xem là Tổ Tịnh Độ Việt Nam, được đánh giá qua tác phẩm “Niệm Phật Thập Yếu”  vô cùng quý báu của HT, và con người chân tu của HT. Vậy mà trong lời phi lộ tác phẩm nổi tiếng đó Ngài nói rằng: “…Tuy nhiên trong kinh nói: Chúng sanh sở thích và tánh dục có muôn ngàn sai biệt không đồng, nên chư Phật phải mở vô lượng pháp môn mới có thể thâu nhiếp hết được. Vì vậy Tịnh Độ tuy hợp thời cơ, song chỉ thích ứng một phần, không thể hợp với sở thích của tất cả mọi người, nên cần phải có Thiền tông và các môn khác, để cho chúng sanh đều nhờ lợi ích, và Phật pháp được đầy đủ sâu rộng. Cho nên dù đã tùy căn cơ, sở thích của mình mà chọn môn Tịnh Độ, thâm  ý bút giả vẫn mong cho Thiền Tông và các môn khác được lan truyền rộng trên đất nước nầy. Và các môn khác, nếu đem lại cho chúng sanh dù một điểm lợi ích nhỏ nhen nào, bút giả cũng xin hết lòng tùy hỷ.” 

Vậy thì Ông xem thế nào, Ông có hơn HT Thiền Tâm chăng, mà sao phát ngôn không kiêng dè cả.

Về Tổ Tịnh Độ, Ấn Quang Đại Sư (Trung Hoa), hằng nhất tâm tha thiết muốn người niệm Phật mà Ngài cũng chỉ khuyên người một cách bình thường ở lành lánh dữ rồi từ từ học tu Niệm Phật. Vậy đó Ông nên đọc lại mấy tác phẩm trên sẽ biết mình tới đâu.

Đọc những sách và các bài viết trong bản tin của Ông, còn hiễn lộ ra một người háo danh nữa. Vì tất cả những tài liệu mà ông nghe mỗi ngày về Hòa Thượng Tịnh Không là do Cư Sĩ Thanh Trí (đang sống tại Úc) dịch và đọc vào băng Video và băng Cassette. Vậy mà trong các sách và bài viết của ông, ông chỉ nhắc đến tên Cư Sĩ một cách chiếu lệ phớt lờ, để đọc giả tưởng rằng ông nghe trực tiếp bằng tiếng Tàu do  Hòa Thượng Tịnh Không giảng.

 Xin đề nghị Ông hãy nên nghỉ viết là vừa, vì tuổi đã cận kề vô thường ; hãy ráng cố gắng dành thời giờ niệm Phật để không khỏi làm thất vọng các đọc giả của Ông, tất cả đọc giả đang theo dõi ngày cuối cùng của ông, xem sự ra đi vãng sanh của Ông đó.

Và tôi cũng thật tâm cầu Ông vãng sanh như ý.

Lời cuối mong rằng những ai đã và đang tu hành pháp môn niệm Phật, vẫn giữ niềm tin đây là pháp môn quý báu và dễ tu nhất trong đời Mạt Pháp này.

Tôi phê bình Cư Sĩ Tịnh Hải chỉ là góp ý với Ông đừng vì sốt sắng mà làm mất đẹp một pháp môn tuyệt diệu vậy.

Kính chào thân ái

Nam Mô A Di Đà Phật
Sydney ngày  4/2/2004

 Quảng Trí

Ps: chúng tôi xin đón nhận mọi ý kiến đóng góp của quý độc giả, kể cả Ông Tịnh Hải để chúng ta có cái nhìn chân xác về pháp môn niệm Phật, xin quý vị gởi về địa chỉ: Email: quangtri1999@yahoo.com

 

   

 --o0o--

Cập nhật : 04-02-04


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Diễn Đàn

Đầu trang

 

Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com