Trang tiếng Việt |
Diễn Đàn |
...... ... | . |
Giải Đảo Huyền hay Kết Đảo Huyền --- o0o --- Nghĩa là cởi bỏ nạn treo ngược hay siết chặt thêm sợi dây cột chặt nạn nhân gia tăng sự đau khổ của họ trên nạn treo ngược. Với tâm từ bi của người Phật tử chân chính cho dù đó là tại gia hay xuất thế, họ cũng đều mong và thực hành các loại công đức để giải đảo huyền, tuyệt đối không ai muốn kết đảo huyền cả. Trớ trêu một điều, từ khi cộng sản Việt Nam xuất hiện và thống trị đất nước Việt Nam, chúng đã mượn hình thức các nhà tu hành đặc biệt là các vị sư Phật giáo để kết đảo huyền dân tộc Việt Nam. Thập niên 80, chúng giải tán Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để thành lập Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh mục đích nhằm thống trị tín đồ PGVN có thể chiếm tới 80 phần trăm dân số. Sự tiếm đoạt này đã gây chia rẽ trong hàng ngũ Tăng tín đồ PGVN một thời gian dài, đến nay vết thương này vẫn chưa được bình phục. Sự chia rẽ và thống trị về mặt hình thức này đã ảnh hưởng không ít tới tiềm năng quật khởi của dân tộc. Tuy nhiên có một điều chúng vẫn chưa hoàn toàn khống chế về mặt tinh thần của người Phật tử VN ở cả hai phía tại gia và xuất gia. Vì người Phật tử VN lúc nào cũng tin tưởng và y giáo phụng hành kim ngôn của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật để lại từ hơn 2547 năm nay cũng như tục mệnh truyền thống Phật giáo Việt Nam do chư vị lịch đại Tổ sư truyền thừa đã có trên 2000 năm lịch sử. Với truyền thống này đã sản sinh ra những người Phật tử có tầm vóc, đảm đương được vận mệnh nước nhà như Trưng nữ vương, Lý Phật Tử, đại sư Pháp Thuận, đại sư Khuông Việt, thiền sư Vạn Hạnh, đức Điều Ngự Giác Hoàng, tiên sinh Nguyễn Trãi và thời nay là Nguyễn Khoa Nam, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ v.v…Nếu không có những di huấn tinh thần quý báu của Đức Cồ Đàm cũng như truyền thống Bồ Tát Đạo cứu nhân độ thế, thì đất nước Việt Nam khó thể nào có được những bậc anh kiệt như thế. Người Phật tử VN vốn có truyền thống kính Phật trọng Tăng, csvn biết được tâm lý này đã tìm cách đánh vào nền tảng chính thống của Phật giáo nói chung và Phật giáo VN nói riêng. Để thực hiện âm mưu thâm độc vừa kể chúng đã cho những đảng viên cộng sản hay những “tăng sĩ” được cộng sản kết nạp với những danh xưng là chức sắc Phật giáo phổ biến, giảng dạy những bài pháp cũng như luận điệu nhằm lung lạc niềm tin vào chánh pháp của đại đa số tăng tín đồ PGVN. Vì đây là kế hoạch rất phức tạp và phải mất nhiều thời gian nên chúng đã thực hiện với phương thức “tầm ăn dâu“, từ từ chậm chậm và chắc ăn đối với chúng. Để tránh bị chống đối ra mặt, chúng tung hỏa mù vào từng thời gian một với một khoảng không gian rộng lớn từ trong cho đến ngoài nước để tránh bị phát hiện. Sau một thời gian quán sát và nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận được ba nhân vật, tạm xem là tiêu biểu đã có những lời nói chỉ trích, phê phán cũng như phủ nhận các kinh điển Phật giáo và công lao truyền thừa của chư vị lịch đại tổ sư tiền bối khiến cho trong hàng Phật tử hoang mang không ít. Ba nhân vật đó là : 1/ Thiện Chiếu (xưng danh là hòa thượng) với Lời Di Cảo của Sư Thiện Chiếu và Thế Nào Là Đạo Phật. 2/ Thông Lạc (xưng danh là hòa thượng) với quyển Đường Về Xứ Phật (còn nhiều tác phẩm khác, tuy nhiên ở đây chỉ lấy quyển nầy làm thí dụ điển hình). 3/ Chơn Quang (xưng danh là đại đức) với nhiều bài viết phá hoại Phật giáo (đăng tải trên trang nhà Lotuspro.net) Ở đây xin được nói về nhân vật Thiện Chiếu (1898-1974) với Lời Di Cảo của Sư Thiện Chiếu và Thế Nào Là Đạo Phật. Trong quyển Tiểu sử danh Tăng tập 1 do Đồng Bổn (Giáo hội Phật giáo quốc doanh) sưu tập và ấn hành thì lý lịch của ông Thiện Chiếu được ghi là đảng viên cộng sản Việt Nam từ năm 1930 (cũng thêm đôi dòng là trước khi gia nhập đảng cộng sản Việt Nam, vị Thích Thiện Chiếu là một tăng sĩ có uy tín lớn trong vùng Hạnh thông tây Gia Định. Tiếc rằng sau khi gia nhập đảng cs ông đã làm hoen ố hình ảnh một vị tôn đức tăng già kính mến bằng cách tự đặt mình dưới sự chỉ huy sắt máu của họ và tiếp tay trong việc gieo tàn khốc đau thương trên xứ sở Việt Nam) và cho đến khi chết vẫn là đảng viên cộng sản không hối tiếc vào năm 1974. Dưới đây là trích đoạn Lời Di Cảo… của Thiện Chiếu viết vào năm 1964 và 1970 tại Hà Nội được in lại và phổ biến ở Sài Gòn vào khoảng cuối thập niên 90. Thiện Chiếu (trang 2 và 3)… «ở miền Nam Việt Nam, nhân dân ta gái trai già trẻ triệu người như một, hùng dũng đứng lên quyết tống cổ quân xâm lược Mỹ và phe lũ (kể cả văn hóa đồi trụy của chúng) ra khỏi đất nước…chữ «Trung» cơ sở đạo đức làm người bất cứ ở xã hội nào và thời đại nào…và chữ trung ấy, hiện nay, đã và đang phát triển, không phải trung nghĩa với quốc gia hẹp hòi, mà là trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản». Lê An Bình : Sự thật ở miền Nam lúc đó, lực lượng xâm lăng chính là đảng cộng sản, mà ông Thiện Chiếu là đảng viên trung kiên, đảng này qua chiêu bài Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam với sự tiếp viện tối đa (hình thức vay nợ) của khối cộng sản quốc tế đã tiến hành cuộc chiến thảm khốc nhằm phát triển chủ nghĩa cộng sản và gieo cảnh chết chóc đau thương cho hàng triệu người dân Việt ở cả hai miền Nam Bắc. Là một nhà sư đúng nghĩa thì Thiện Chiếu không nên thốt ra những lời hô hào đấu tranh đầy sắc máu như thế. Chữ Trung mà Thiện Chiếu đề cập đã không đúng với ý nghĩa thật của nó. Có hai loại chữ Trung khác nhau. Chữ Trung thứ nhất đi cùng với chữ Tâm bên dưới là giữ gìn tấm lòng trước sau như một đối với đất nước, dân tộc cũng như đối với gia đình. Thực hành chữ Trung đó một cách đúng nghĩa, chúng ta thấy có Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng khẳng khái thét vào mặt giặc Mông-cổ: «Ta thà làm quỷ nước Nam chứ chẳng thèm làm vương đất Bắc». Giặc Nguyên thấy không dụ hàng ông được nên đã đem Vương ra chém đầu. Khi miền Nam sụp đổ vào ngày 30/04/75, Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam đã bình thản chọn lấy cái chết cho chính mình sau thời kinh niệm Phật. Ông đã hành xử chữ Trung của một vị Tướng giữ thành, một người lính trung thành với quốc gia và quân đội, trung thành ngay chính lý tưởng của ông, trung thành trước sau như một với tôn giáo ông tôn thờ đó là Phật giáo; chưa hết chúng ta còn có Đại tá Hồ Ngọc Cẩn đã bình tỉnh từ chối bịt mắt trước pháp trường cát để còn được thấy lần chót quê hương thân yêu đang bị bóp nát trong tay kẻ thù việt cộng và trước khi chết ông đã khẳng khái hô to : Việt Nam Cộng Hòa muôn năm ! Tiếng hô này khiến ta chợt nhớ tới 13 dũng sĩ Yên Bái của thập niên 30 đã bị thực dân Pháp hành hình vì tội yêu nước và họ cũng đã tung hô Việt Nam vạn tuế và còn nhiều nữa những người con dân Việt đã thực hiện chữ Trung với cả tâm thành và thân xác mình. Ôi thật là đẹp và cao quý vô cùng những chữ Trung đó. Còn chữ trung mà Thiện Chiếu đề cập tới nó có ý nghĩa ở giữa đối lại với hai bên. Nghĩa là tất cả mọi chuyện đều gom vào một chỗ, nằm dưới sự kiểm soát, chỉ huy của một phe nhóm hay đảng phái. Thiện Chiếu muốn dân tộc Việt Nam phải nằm trong vòng điều khiển của cộng sản quốc tế, cầm đầu là Nga xô viết và chư hầu địa phương là csvn, đây là một cái nhìn quá cạn cợt. Dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa hơn 4000 năm lịch sử, chúng ta, đã, sẽ và nhất định không bao giờ đặt vận mạng dân tộc vào tay một tập đoàn gian ác như cộng sản VN. Ách nạn cộng sản hiện tại chỉ là giai đoạn, một khi mọi người dân Việt ý thức cao hơn nữa chữ Trung đối với đất nước thì chính là lúc csvn sẽ bị tan rã để nhường bước cho tự do dân chủ thật sự. Thiện Chiếu (trang 8) : «Phật giáo phát triển từ Ấn Độ truyền sang Trung quốc, thịnh hành. Trong khi đô hộ nước ta, giai cấp thống trị Bắc phương đem nó làm quà cho nhân ta» Lê An Bình : Đây là một sự nhầm lẫn nghiêm trọng trong lịch sử truyền bá Phật giáo. Là một «nhà sư» Thiện Chiếu phát biểu như thế chứng tỏ không nắm vững được hay cố tình nói lệch đi sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam. Thực tế là Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào nước ta bởi các nhà Sư người Thiên Trúc (tên nước Ấn Độ ngày xưa). Họ đi bằng đường biển từ phương Nam đi lên và giáo lý mà dân Việt được tiếp xúc đó là giáo lý đại thừa Bắc tông. Sự truyền bá này diễn ra vào những năm trước tây lịch. Cho nên chúng ta mới có nhà Sư Phật Quang, Chữ Đồng Tử và công chúa Tiên Dung là hai người Phật tử tại gia đầu tiên. Hơn nữa sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại vào năm 43 sau tây lịch, các nhà sư Phật giáo VN đã biên soạn và cho phổ biến quyển Lục Độ Tập Kinh làm nền tảng tư tưởng cho công cuộc cứu nước và dựng nước của dân tộc trong bối cảnh dân ta bị nước Tàu thống trị. Vào năm 247 sau tây lịch ngài Khương Tăng Hội vị tỵ tổ của thiền tông Đông độ và Việt Nam đã từ Việt Nam sang Tàu truyền bá chánh pháp của Đức Phật Đà. Ngài an trụ 30 năm ở Kiến Nghiệp nơi Ngô Tôn Quyền xưng vương để giáo hóa chúng sanh, vì lúc này ở tại đây (nước Tàu) Phật giáo chưa được phổ biến. Do đó chính Phật giáo đã một thời, và mãi mãi sẽ là trụ cột, là nơi nương tựa vững chắc nhất của dân tộc Việt để chống lại sự xâm lăng cũng như đồng hóa của người Tàu đối với dân ta, đời nay là chủ nghĩa cộng sản. Thiện Chiếu (trang 9):… «Giặc Minh cướp đi nhiều sách vở trong đó có Khóa Hư Tập. Sách này hiện có ở các nơi, nhưng nó có được hoàn chỉnh không? Khẳng định là có ngụy tạo». Lê An Bình : Giặc Minh vào chiếm nước ta, chúng phá hủy cũng như cướp đi nhiều tác phẩm văn hóa của chúng ta, điều này lịch sử đã ghi rõ. Tuy nhiên ở đây Thiện Chiếu lại đặt nghi ngờ cũng như gieo hoang mang một cách quá chủ quan đó là điều khó mà chấp nhận được. Thiện Chiếu (trang 9): «…có hạnh phúc lắm mới được sanh làm người trên đất nước Trung Quốc! Tác giả sách đó là Vua của một dân tộc anh hùng, từng đánh bại quân Nguyên, đã chẳng nói được như câu «Nam quốc sơn hà nam đế cư» mà lại thốt ra những câu nói ngu xuẩn như thế à?» Lê An Bình: Ở đây Thiện Chiếu lại càng đi quá xa trong việc phỉ báng một tác phẩm tuyệt vời của nền văn học Việt đó là Khóa Hư Tập (hay Lục) cùng chê bai tác giả là Đức vua Trần Thái Tông. Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ đã ví tác phẩm này là MỘT KIỆT TÁC PHẨM CỦA NỀN VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT, THẾ KỶ XIII, thượng tọa viết như sau: «Riêng đối với Đạo Phật và Dòng Sử Việt, công nghiệp của vua Thái Tông thật là to lớn. Ngoài việc in kinh, xây chùa, tô tượng, đúc chuông; về diện văn hóa, vua đã viết Khóa Hư Lục, một kiệt tác phẩm của nền văn học Phật giáo dân tộc, thế kỷ XIII. Sách gồm 3 quyển Thượng, Trung và Hạ, viết theo thể văn biền ngẫu, bằng Hán tự, một lối văn rất khó viết, ở người cầm bút phải có một trình độ học vấn uyên bác mới dám sử dụng tới… tác giả trình bày những tư tưởng triết lý đại ta Phật giáo, nhắm mục đích tự thức tỉnh mình và đồng thời có tính cách giáo dục quần chúng, nói lên niềm thao thức khổ đau cùng sự giác ngộ của một con người có trách nhiệm với mình, với đời và với đồng bào, nhân loại… Trong 33 năm trị vì, vua đã làm tròn sứ mệnh của một đấng quân vương, hết lòng lo sửa sang việc nước: bên trong, bình trị nội loạn; phía ngoài, dẹp yên xâm lăng. Nhờ vậy mà toàn dân được sống an vui, hạnh phúc. Với trí sáng như mặt trời, và với lòng thì rộng như biển cả, vua quả là một vị A la hán, một Đại Bồ Tát thị hiện ở Việt Nam để cứu nước Việt Nam. Nên sau khi đã hoàn thành sự nghiệp cứu nước, vua nhường ngôi cho con là Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông. Chắc chắn sau đấy vua có nhiều thì giờ rảnh rỗi để dồn hết tâm tư vào việc tu niệm, và viết sách truyền lại cho đời. Tất cả nỗi thao thức khổ đau đối với bản thân, đối với cuộc đời và với lòng từ bi thương xót chúng sinh, vì u mê tạo nghiệp xấu ác, nên phải luân hồi chìm đắm trong ba cõi, sáu ngả. Do những ý nghĩ ấy, tác giả đã viết Khoá Hư Lục, trước hết là để tự thức tỉnh mình trên đường tu niệm và thực hạnh, nhằm thanh lọc sáu quan năng, mong đạt đến chỗ "lục căn viên thông", tức là chứng thánh quả; đồng thời khuyên mọi người nên hướng tâm lên đức Phật từ bi cao cả và hãy học hỏi giáo lý vô thượng của Ngài, và lấy đó làm chiếc bè đưa ta qua sông Mê, tới bờ Giác». Thiện Chiếu (trang 9):… «Không có một văn kiện nào để người ta biết cụ thể vế sự nghiên cứu Phật học của tiền nhân ta thời ấy». Lê An Bình: Ông Thiện Chiếu là một «nhà sư» trên danh nghĩa lại không để thời giờ vào việc tu học Phật giáo cũng như nghiên cứu văn hóa Phật giáo, ông chỉ say mê tìm hiểu và hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản (tham khảo Thiện Chiếu, tiểu sử danh Tăng tập 1, phần IV Phật giáo ở giai đoạn phân đôi đất nước, do Đồng Bổn chủ biên, đăng trên www.thuvienhoasen.org) vì không nắm vững lịch sử Phật giáo Việt Nam ông đã quay lại chỉ trích, phê phán các vị tiền bối tổ sư với cái nhìn đầy lệch lạc thiên kiến của một đảng viên csvn. Một tác phẩm khác được ghi lại vào đời Trần đó là Thuyền Uyển Tập Anh, đã là một «nhà sư», không thể nào Thiện Chiếu không biết đến. Không biết hay giả vờ không biết để có thể mạnh miệng chỉ trích, như thế không phải là nhà tu hành đúng nghĩa. Thiện Chiếu (trang 10): «…Nho giáo truyền sang nước ta trước Phật giáo, nhưng tại sao trong thời kỳ bấy giờ chưa có vị nho sĩ nào lỗi lạc…(trang 11)… Đến khi nền độc lập và chính quyền phong kiến được củng cố, thì giai cấp thống trị nâng đỡ Nho giáo dần dần thay chân Phật giáo…(trang 12)… Vậy thì, cái gì mà người ta gọi là «Phật giáo thịnh hành» trong thời kỳ Lý, Trần, chùa chiền khắp thiên hạ đó thế nào? Đó chỉ là «cặn bả» hoặc «nửa cặn bả» dần dần át mất tinh hoa của PG biến thành công cụ của giai cấp áp bức bóc lột nhồi sọ nhân dân…» Lê An Bình: Khi nói Nho giáo truyền vào nước ta trước Phật giáo đó là một điều không đúng. Phật giáo như đã trình bày ở phần trên đã được truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương, được ghi nhận qua sự tích Chữ Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được nhà sư Phật Quang truyền trao Phật giáo quyền năng. Khi đất nước bị quân Tàu phù chiếm đóng năm 43 (sau tây lịch), người dân Việt đã thấy rất gần gũi và thân thiết với đạo Phật do chủ trương cứu khổ ban vui cũng như đường hướng tu tập nhằm thức tỉnh nội tâm. Với ba điểm này dân ta đã lấy đó làm điểm tựa tinh thần vừa để chịu đựng sự thống trị của quân giặc, đồng thời duy trì tinh thần quật khởi tìm kiếm thời cơ thích hợp vùng lên đánh bật kẻ thù ra khỏi xứ sở. Hơn nữa các nhà sư Phật giáo Việt Nam đã phương tiện thiện xảo để chuyển một nền Phật giáo ngoại nhập trở thành nền Phật giáo bản xứ ăn sâu bám rể vào lòng dân Việt. Quả thật PGVN đã thực sự ngự trị một cách tự tại trong trái tim của người dân nước Việt từ hơn hai ngàn năm qua. Còn Nho giáo vì theo chân đoàn quân xâm lăng phương Bắc, nên suốt mười mấy thế kỷ vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong lòng dân ta. Mặc dù có một vài vị vua Phật tử như Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông đã có sự cố gắng phát triển Nho, Lão đưa tới sự kết hợp hòa hài của ba tôn giáo sự hòa hài đó gọi là Tam Giáo Đồng Nguyên (Phật, Nho, Lão), sự kiện này đã góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng của nước nhà thời bấy giờ. Tuy nhiên cũng chưa đạt được nhiều tác dụng, vì Nho Lão chưa chiếm được trái tim của người Việt Nam. Đạo Phật là đạo xuất thế nhưng ở trong thế gian nên vẫn bị quy luật vô thường chi phối. Vì bị chi phối như thế nên Phật giáo đã có lúc rất hưng thịnh nhưng cũng gặp khi suy yếu như vào cuối thời Trần hoặc như thời hiện tại dưới chế độ cs. Sau đó vào đời nhà Lê mới có một số nho sĩ tham gia triều chính như sử thần Ngô Sĩ Liên là một thí dụ. Nếu nói như Thiện Chiếu «chính quyền phong kiến được củng cố, thì giai cấp thống trị nâng đỡ Nho giáo dần dần thay chân Phật giáo» thì quá mơ hồ không có dẫn chứng cụ thể, vả lại nếu ông ta có quan niệm này tức là không chấp nhận quy luật thành, tựu, hoại, không -tiền tiền vô thỉ, hậu hậu vô chung-. Và đây cũng là một quan niệm mà đức Phật đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài thuyết pháp, thí dụ như Thập Nhị Nhân Duyên là một dẫn chứng. Hoặc như trong kinh Hoa Nghiêm có câu Pháp Giới Trùng Trùng Duyên Khởi người viết xin đương cử là một thí dụ khác. Vì không nắm vững quy luật vô thường cho nên ông Thiện Chiếu đã không chấp nhận thịnh suy của Phật giáo Việt Nam rồi đưa đến thái độ cứng rắng một cách lạ đời là đả kích luôn nền PG dưới các triều đại Lý Trần là «cặn bả» hoặc «nửa cặn bả». Ở đây cho chúng ta thấy Thiện Chiếu đã có một cái nhìn lệch lạc về PGVN qua lăng kính của một đảng viên cộng sản. Ở trang trước chúng ta đã thấy Thiện Chiếu không nắm vững lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam qua sự phát biểu «Phật giáo phát triển từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc thịnh hành. Trong khi đô hộ nước ta, giai cấp thống trị Bắc phương đem nó làm quà cho nhân dân ta…» «…Nho giáo truyền sang nước ta trước Phật giáo…» (Thiện Chiếu trang 8 và 10) do vì vô tình không biết hay cố tình xuyên tạc sự du nhập và phát triển Phật giáo tại VN đã có từ thời Hùng Vương kéo dài cho tới thời Lý Trần mười mấy thế kỷ, là lúc mà PG thịnh hành nhất huy hoàng nhất theo quan điểm thế gian. Ngài Vạn Hạnh đã nhắn nhủ người tu Phật là Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Nghĩa Vận mệnh thịnh suy không sợ hãi Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương mai. Thời kỳ hưng thạnh của PG dưới các triều vua Lý Trần là một sự tổng hợp, kết tinh cũng như hun đúc bởi mười mấy thế kỷ với biết bao công đức sâu dầy của dân tộc cũng như của chư vị liệt đại tổ sư tiền bối mới gầy dựng nên. Các nhà sư Việt Nam đã thành công trong việc dung hòa nền Phật giáo du nhập từ Ấn Độ trở thành một phương tiện hữu hiệu phục vụ cho dân tộc Việt trong lúc nước ta bị quân Tàu đô hộ. Và bắt đầu từ lúc đó Phật giáo thực sự đã ngự trị trong trái tim của người Việt Nam, cho nên có câu Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tiên. Ông Thiện Chiếu với tư cách là đảng viên cộng sản Việt Nam đã tìm cách đánh bật nền Phật giáo dân tộc ra khỏi trái tim của người Việt bằng cách phủ nhận những thành tựu mà PG và dân tộc Việt có được trong các triều đại Lý Trần trên các lãnh vực và gọi đó là «cặn bả» hoặc «nửa cặn bả». Khi đả kích bài bác như thế ông Thiện Chiếu hẳn đã quên hoặc cố tình quên những chiến công hiển hách phá Tống bình Chiêm dưới thời nhà Lý cũng như ba lần quân dân Đại Việt đại phá quân Nguyên dưới thời nhà Trần. Dù không kể công, ít nhiều Phật giáo VN cũng đã đóng góp xương máu cho dân tộc trong những phút nguy nan nhất để đem tới một loạt chiến tích lừng lẩy cổ kim trong lịch sử nước nhà cũng như của nhân loại. Và cũng cần nhớ rằng vào thời mà dân ta tạo nên những chiến tích lẫy lừng như thế, thì đứng đầu triều đình là những vị vua Phật tử như Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông. Đó là chưa kể các lãnh vực khác như chính trị, văn hóa, kinh tế cũng như xã hội mà PGVN đã đóng góp vào. Thiện Chiếu đã phủ nhận những sự đóng góp to lớn của PG cho dân tộc VN với mục đích gì? Tại sao ông tìm cách bứng nền PG dân tộc ra khỏi trái tim người Việt Nam để rồi thế cái gì vào đó? Chúng ta cũng không phủ nhận rằng, trong những lúc Phật giáo Việt Nam bị suy vi đã xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực như đồng bóng, mê tín dị đoan, hoặc các nhà sư đi ra ngoài khuôn khổ giới luật hay nhà chùa biến thành nơi xử dụng của người thế tục v.v…(cho nên trong nhà chùa có câu tu không học là tu mù, học mà không tu là cái đãy đựng sách cũng không nằm ngoài ý nghĩa trên). Với bổn phận là người Phật tử cho dù tại gia hay xuất gia đi nữa cần có bổn phận chấn hưng PG bằng cách mỗi người tự trì trai giữ giới tinh nghiêm, phát triển phong trào Phật học cùng khắp. Thay vì chọn thái độ tích cực dấn thân để cải tổ, chấn hưng (nếu thấy là sai, không đúng), ông Thiện Chiếu chọn phương pháp thụ động dẹp bỏ. Để rồi ở đoạn dưới đây ta mới thấy được chủ đích của người này. Thiện Chiếu (trang 13): «…Những cặn bả của Phật giáo thăng trầm theo thế vận, nhất định sẽ tiêu vong. Nhưng tinh hoa của Phật giáo vẫn tồn tại trong sức sống của dân tộc đã và đang phát triển. Nó được thể hiện trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp cũng như phong trào yêu nước chống Mỹ xâm lược ở miền Nam Việt Nam hiện nay…» Lê An Bình: Như thế ở đây cho ta thấy Thiện Chiếu muốn gì khi có thái độ thụ động muốn dẹp bỏ nền Phật giáo dân tộc. Nhưng với thái độ này ông ta đã đi quá đà khi cổ vũ cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản (ở đây ông thực sự đã quên bản thân mình là ai). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì đảng cộng sản đã lợi dụng chiêu bài dân tộc, đàn áp thủ tiêu tối đa các thành phần quốc gia dân tộc không cộng sản để chiếm độc quyền tranh đấu. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam 54-75, thực chất đây chỉ là một cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa cộng sản của nước Nga Xô Viết và Tàu cộng sản được thực hiện bởi tay sai bản xứ là cộng sản Việt Nam. Cộng sản Việt Nam đã lợi dụng xương máu của hàng triệu thanh niên thiếu nữ Việt cho nghĩa vụ quốc tế vô sản. Một nghĩa vụ chỉ phục vụ cho quan thầy Nga Tàu và chẳng có lợi ích chi cho dân tộc Việt mà còn khiến cho đất nước trở thành bãi tập bắn cho tất cả loại vũ khí đạn dược từ đông sang tây, dân chúng nghèo cùng lạc hậu thật đau đớn biết dường nào. Ông Thiện Chiếu cố công lôi kéo dân tộc ra khỏi hào quang từ bi hỷ xả của chư Phật để đẩy họ vào vòng tay chiến tranh và bạo lực của cộng sản thì thử hỏi hành động đó có được người dân Việt chấp nhận hay không? Tôi nghĩ khó có người Phật tử nào trong chúng ta bỏ phiếu thuận cho câu hỏi này, trong đó có cả người viết bài này. Thiện Chiếu (trang 19): «Thích Ca Mâu Ni Phật người sáng lập đạo Phật – đã mất cách đây gần 25 thế kỷ. Dựa vào «Pháp» chăng? Thì kinh điển «hiện có» như rừng, hỗn tạp, ngổn ngang trăm mối biết đâu mà tìm! – Còn «Tăng»? thì sư nào có ít nhiều học vấn cũng dựa vào «Kinh», trong đó đúng hay sai cũng không dám phê phán. Nếu dựa vào hình thức và những quy tắc hằng ngày cửa Phật thì khó mà hiểu được đạo Phật». Lê An Bình: Ở phần trên ông Thiện Chiếu đã tìm cách bứng Phật giáo dân tộc ra khỏi trái tim của người Việt. Ông lại đi bước kế tiếp đó là gieo hoang mang và nghi ngờ trong Phật tử khi đặt nghi vấn đối với Pháp bảo và Tăng bảo. Chúng ta thấy rằng Đức Phật Thế tôn ví như vị thầy thuốc, ngài thị hiện cõi trần và chỉ bày các phương pháp trị liệu tâm bịnh chúng sanh mà ta được biết là Pháp; còn Tăng là người đại diện cho Đức Phật (đại diện cho người thầy thuốc đi rao truyền giảng dạy các phương trị Tâm bịnh của chúng sanh). Như trong kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa Đức Phật nói: «Ta vì đại sự nhân duyên thị hiện cõi trần để Khai Thị Ngộ Nhập Phật Tri Kiến Cho Chúng Sanh». Thật vậy đức Phật giáng thế để mở bày cho chúng sanh được vào chỗ thấy biết của Phật. Nghĩa là ngài mong muốn tất cả chúng sanh đều thành Phật, đều được giác ngộ như ngài không khác. Qua sự thị hiện là người phàm phu xác thịt, cũng phải chịu quy luật vô thường chi phối, nhưng ngài đã khổ tâm cầu học đạo xuất thế, cương quyết tu hành cho tới khi thành đạo. Sau đó tuyên giảng cho chúng sanh được biết những gì mà ngài đã thẫm thấu được về vũ trụ và nhân sanh. Ngài còn phán rằng ta là Phật đã thành các ngươi (chúng sanh) là Phật sẽ thành. Với tấm lòng đại từ đại bi ngài đã thọ ký cho tất cả loài hữu tình hiện diện trong lục đạo luân hồi đều sẽ thành Phật đều được giác ngộ như ngài. Đây là quan niệm bình đẳng mà ít có vị giáo chủ nào đưa ra được kể từ khi trên trái đất này xuất hiện tôn giáo. Với quan niệm này, ngài đã cải thiện cuộc sống và tâm linh của hàng tỷ con người trên địa cầu này từ hơn 2500 năm qua khiến cho họ được tắm gội trong dòng suối từ bi chan hòa ánh đạo. Do sự chứng ngộ, ngài cũng thấu hiểu được nghiệp lực của chúng sanh vì phải nhiều đời nhiều kiếp trôi lăn mãi trong vòng luân hồi, khó lòng trong khoảnh khắc lãnh hội được giáo pháp thậm thâm vi diệu, nên Đức Phật mới phân biệt (đây chỉ là phương tiện, thực sự đạo Phật được gom lại trong mấy chữ Như như bất động lai thành chánh giác, hoặc gọn hơn là Tâm mà theo kinh Pháp Hoa nói là nhất thừa Phật đạo) ra tám muôn bốn ngàn pháp môn để trị tám muôn bốn ngàn phiền não của chúng sanh. Cho nên nếu thấy pháp môn nào thích hợp với căn cơ của mình thì cứ thế mà tu hành, người thượng căn thì mau chứng đạo, còn người trung hoặc hạ căn cũng gieo được căn lành. Một người quy y Tam Bảo (tức ba ngôi báu Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo), người ấy trở thành Phật tử (tức con của Phật). Quy y Tam Bảo có cả hai ý nghĩa đó là quy y Sự và quy y Lý. Quy y Sự tức là quy y các hình tượng Phật (bằng tranh hoặc bằng tượng đúc), quy y Pháp (tức kinh sách của Phật), quy y Tăng (là vị thầy trụ trì một ngôi chùa và cũng là vị thầy truyền tam quy và ngũ giới cho người muốn thọ). Quy y Lý là người đó (sau khi đã quy y Tam Bảo phần Sự) tự trở về với tánh sáng suốt giác ngộ đủ cả phước huệ của mình (Phật); nương tựa (hay quy y cũng đồng một nghĩa) với sự chơn không hùa theo tà-kiến (Pháp); quy y với đức Tịnh của mình mà không ô nhiễm (Tăng). Chúng ta thấy rằng quy y Tam Bảo bao gồm cả Lý và Sự thật có nhiều lợi ích cho tất cả mọi người muốn hướng tâm tu theo Phật giáo. Riêng ông Thiện Chiếu có thể ông chỉ quy y Tam Bảo ở phần Sự còn về phần Lý đã không để tâm tự quy y như nhiều người Phật tử khác mà chỉ chạy theo vọng trần loạn tưởng (chủ nghĩa cs mà bản thân ông là đảng viên) nên đã xa lìa chánh-kiến mà đi vào tà-kiến để rồi quay ngược lại chỉ trích ngôi Tam Bảo, thực ra hành động này của ông chính là tự chỉ trích bản thân lúc nào không hay vì đây là hành động không phải của sự tỉnh thức. Do đó ông mới nói rằng «dựa vào hình thức và những quy tắc trong cửa Phật thì khó mà tìm hiểu được đạo Phật» (Thiện Chiếu, tìm hiểu về Phật trang 19). Thiện Chiếu (các trang 19, 20 và 21) : «…Sau khi Phật mất các đệ tử họp Đại hội (đọc lại) cho ai nấy nghe lần «kết tập» này, A Nan Đà (Ananda) - một trong mười đệ tử có biệt tài của Phật nổi tiếng là «nghe nhiếu», phụ trách đọc «Kinh» (Ưu ba Ly đọc «Luật»)…cách Phật 100 năm sau,…kết tập: «lần thứ hai» tại Bì-Xá-Ly (Versali) thuộc miền Trung Ấn Độ, nhưng không giải quyết được sự bất đồng về giáo lý giữa hai phái «Thượng tọa bộ» và «Đại chúng bộ»…200 năm sau, Phật giáo được vua A Dục (Asoka) bảo trợ, các sư họp lại nhau «kết tập» (lần thứ ba) tại Ba-tra-li (Patalipatra), thủ đô nước Ma Kiệt Đà (Magatha), đã điều hòa sự bất đồng giữa hai phái ấy…400 năm sau, PG được vua Ca-Ni-Sắc-Ca (Kanisca) bảo trợ, các sư lại tập hợp «kết tập» (lần thứ tư) tại Ca Thấp Di Ra (Kasmira) thuộc miền Bắc Ấn Độ (bốn lần «kết tập» nói trên đều là phái thượng tọa bộ về sau người ta gọi là phái Tiểu thừa)…Sau khi chia rẽ, các phái lập luận tranh cãi về giáo lý và mặt khác còn tranh luận nhau với «ngoại đạo», mỗi bên phát huy theo kiến giải của mình, do đó Phật giáo ít nhất cũng được sáng tỏ hơn hơn (chẳng hạn như «Đại Thừa Khởi Tín Luận» của Mã Minh (Asvaghasa)…nhưng đồng thời nảy sinh ra rất nhiều tệ hại. Phái gọi Tiểu thừa cũng như phái gọi là Đại thừa đã «Thần thánh hóa cả» cả những đệ tử Phật cho đến các sư sãi cầm đầu các phái trong nhiều thế hệ sau. Những chuyện thần thoại đầy dẫy trong Đại tạng không những làm mê hoặc mà còn đe dọa «chúng sanh», nên ai không tin và phỉ báng «Phật, Pháp, Tăng» sẽ bị vào địa ngục, chịu khổ kiếp kiếp đời đời». Lê An Bình : Ở đây Thiện Chiếu cho rằng qua bốn thời kỳ kiết-tập, chư Tăng bất đồng ý kiến về giáo pháp là một sự chia rẽ. Hẳn nhiên đa số Phật tử chúng ta đều biết rằng qua các bốn thời kiết-tập kinh điển kể trên chư Tăng quả có một số việc không đồng ý trên phương pháp tu học. Từ bất đồng ý kiến đi đến chia rẽ là một chuyện khác, nó đi xa và làm trầm trọng thêm cho vấn đề. Sau khi đức Phật nhập niết bàn, trong hàng đại chúng có vị Tỳ-kheo thốt lời rằng: «Trong thời Đức Thích Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay Đức Thích Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động không bị giới luật ràng buộc». Tôn giả Ma-Ha Ca-Diếp nghĩ rằng, Đức Bổn Sư mới thị tịch có bảy ngày, mà trong đệ tử có người thốt ra lời nói phá hoại chánh pháp như thế. Và để tránh cho giáo Pháp của Phật bị tà thuyết xen vào lẫn lộn, nên quyết tâm đề xướng buổi kiết-tập kinh điển để trùng tuyên lại những lời Phật dạy. Trong kỳ kiết-tập này, chư Tăng được vị mạnh-thường-quân là vua A-Xà-Thế (Ajàtasatru) của nước Ma-Kiệt-Đà (Magadha) ủng hộ. Thành phần tham dự là 500 vị A-la-hán đệ tử của Đức Phật do Tôn-giả Ca-Diếp làm thượng-thủ. Tôn-giả Ưu-Ba-Ly là người nổi tiếng trì Luật hay nhất đã tuyên đọc bộ Luật; còn ngài A-Nan người có tiếng nghe nhiều nhớ kỹ được đề cử trùng tuyên bộ Kinh. Bộ Kinh và Luật đã xuất hiện kể từ đó, kiết-tập lần thứ nhất diễn ra trong 7 tháng. Để xác minh kinh điển được truyền từ kim khẩu của Đức Phật và do ngài A-Nan trùng tuyên, ở dòng đầu của các bộ Kinh phải để «Như thị ngã văn» hoặc «Tôi nghe như thế này». Ở thời kỳ đầu Luật tạng bao gồm những điều quy định căn bản về Tăng đoàn. Về sau, chư vị Tổ sư tiếp nối, căn cứ vào bản chánh lại chú thích cũng như quy định thêm làm cho bộ Luật càng phong phú hơn. Còn về Kinh tạng (Sùtrapịtaka) thì đầu tiên là kinh A-Hàm, ghi lại về sự thuyết pháp và sinh hoạt của Đức Thích Tôn khi còn tại thế cũng như các sinh hoạt của chư vị đệ tử. Kinh A-Hàm có bốn bộ: 1/ Kinh Trường A-Hàm (Digha-àgama). 2/ Kinh Trung A-Hàm (Maljhima-à). 3/ Kinh Tăng-Nhất A-Hàm (Àngutlara-à). 4/ Kinh Tạp A-Hàm (Samyutta-à). Cũng vào thời kỳ này chỉ có Kinh tạng và Luật tạng được thành lập còn Luận tạng chưa hiện hữu. Vào thời kỳ kiết-tập lần thứ nhì được tổ chức khoảng 100 năm sau khi Đức Phật diệt độ. Cuộc kiết-tập này quy tụ khoảng bảy trăm vị Tỳ-kheo họp tại thành Phệ-Xá-Ly (Vesali). Cuộc kiết-tập này gọi là Phệ-Xá-Ly kiết-tập hay Thất-bách tập-pháp. Nguyên do của nó là do sự bất đồng về giới luật khi các vị Tỳ-kheo thuộc dòng Tỳ-Xá-Ly (Vjji) đề xướng ra 10 hành-vi chủ trương là thích hợp với giới-luật của Tỳ-kheo. Tuy nhiên 10 hành-vi này đã bị trưởng lão Da-Xá (Yasa) du hành tới Phệ-Xá-Ly (Vesaly) bác bỏ, nói là không phù hợp với giới-luật. Trưởng lão Da-Xá (Yasa) đã cung thỉnh chư Tăng tụ họp tại Phệ-Xá-Ly để kiết-tập kinh điển cũng như nghị-quyết 10 hành-vi nói trên là phi luật phi pháp. Để dung hòa các khuynh hướng Đông và Tây, hội nghị đã đề cử mỗi bên bốn vị Trưởng lão ở cả hai phía Đông và Tây. Bốn vị phía Tây là: Ly-Bà-Đa, Tam-Phù-Đà, Da-Xá và Tu-Ma-Na (Sumana); Bốn vị ở phương Đông là: Tát-Bà-Ca-Ma, Sa-Lưu (Salha), Khuất-Xà-Tu-Tỳ-Đa (Khujjasobhita) và Bà-Tát-Bà-Già-Mi (Vàsabhagàmi). Trưởng-lão Ly-Bà-Đa đứng đầu ủy ban phương Tây nêu ra chi tiết từng 10 điều một để lấy ý kiến là hợp Luật hay không hợp Luật; Trưởng lão Tát-Bà-Ca-Ma trưởng ủy viên của phương Đông, y vào giới Luật cổ truyền đã đối chiếu với từng điều một và đáp rằng tất cả đều «phi pháp phi luật». Ngoài ra trong cuộc họp này, chư Tăng cũng trùng tuyên kinh điển, sự trùng tuyên này kéo dài hơn 8 tháng mới xong. Nội dung chi tiết về cuộc kiết-tập lần thứ hai không được ghi chép tường tận. Tuy nhiên nó là một cuộc tập-hợp để khẳng định tính chính thống của giới luật mà Đức Phật đã để lại để tránh mọi điều phi pháp phi luật xen lẫn vào. Phần các vị Tỳ-kheo thuộc phương Đông không chấp nhận 10 điều hành-vi là phi pháp phi luật đã tụ họp tại một nơi khác để kiết-tập kinh điển. Cuộc kiết-tập này gọi là Đại-chúng kiết-tập (Mahasamgìti). Nội dung kiết-tập bao gồm Kinh tạng, Luật tạng, Đại-pháp-tạng và Tạp-tạng thành bốn tạng, và còn gọi là Ngũ tạng, có thêm Bồ-tát-tạng. Từ đó xuất hiện danh từ Thượng-tọa-bộ (phái bảo thủ) và Đại-chúng-bộ (phái chủ trương canh tân). Ở đây chúng ta thấy có sự bất đồng ý kiến của các vị Tăng sĩ về giới luật. Sự bất đồng ý kiến này là điều rất thông thường xảy ra cho bất kỳ đoàn thể tổ chức nào, ngay cả một đoàn thể xuất thế như đoàn thể Tăng già đệ tử của Đức Phật. Tuy có sự bất đồng nhưng chư Tăng vẫn còn tôn thờ Đức Phật Thích Ca và nương theo kinh điển cổ truyền (kể từ thời kiết-tập lần thứ nhất) để tu học và không vì lý do đó mà chư vị Tỳ-kheo chủ trương canh tân lại tách khỏi Phật giáo mà lập thành một tôn giáo mới theo ý kiến riêng của mình. Có bất đồng, tức là có đầu tư suy nghĩ và hành động thì mới có cải tổ phù hợp với môi trường sống để tiếp tục tồn tại, nếu không đạo Phật đã không thể phát triển ra khắp nơi trên thế giới như ngày hôm nay. Trong sự phát triển vẫn phải duy trì nguồn cội cũng như là giếng mối thì đó là điều nên làm và cần phải làm. Ông Thiện Chiếu cho sự bất đồng ý kiến là «chia rẽ» đây là một sự xuyên tạc và làm trầm trọng thêm vấn đề một cách có chủ tâm và đầy ác ý của tác giả «Lời Di Cảo của sư Thiện Chiếu và Thế nào là đạo Phật». Thay vì góp phần xây dựng cho vững chắc thì ông lại tăng phần đả phá để tạo thêm hoang mang. Sau khi Đức Phật nhập niết bàn độ 200 năm thì Phật giáo đã được lan truyền khắp các quốc gia thuộc Trung Ấn-Độ trên lưu-vực Hằng Hà. Một trăm năm sau tức 300 năm sau khi Đức Phật thị tịch thì PG đã lan truyền khắp xứ Ấn-Độ cũng như các vương quốc lân cận như Syria, Hy Lạp, Ai Cập, các địa phương ở đông-bộ Địa-Trung-Hải. Các nước phương Bắc như Aparàntaka, Kamboja; Phương Nam là Pulinda, Bhoja, Pitinika, Andhra, Cola, Pàndya và Tambapanni. Đặc biệt phái đoàn truyền giáo đã tới được xứ Tích-Lan và may mắn gặp vị vua xứ này là ngài Mahinda (Mahendra tiếng Pâli), sau này vị vua của xứ Tích-Lan đã có nhiều công đức trong việc xây dựng nền tảng cho Thượng-tọa-bộ thuộc Nam truyền Phật giáo. Vị vua có công lao lớn trong sự truyền bá đạo Phật khắp nơi đó là A Dục Vương (Asoka). Vua Asoka sau khi chinh phạt nước Kalinga đã thành tâm sám hối về những hành vi làm sinh linh thống khổ nên ngài đã quy y với ngôi Tam Bảo, đồng thời đã chủ động trong việc truyền bá Phật Pháp như đã trình bày ở phần trên. Vua còn có công đức là người đứng ra bảo trợ cho cuộc kiết-tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức tại Hoa-Thị-Thành (Pataliputra). Về niên đại xuất hiện của vua A-Dục theo History of Ancient Sanscrit Litérature ghi là vào năm 477 trước tây lịch. Do vì vua Asoka tín-ngưỡng Phật giáo, nên chùa chiền được xây cất thêm, Tăng chúng ngày một đông đảo. Trong số đó không thiếu một số ngoại đạo trà trộn vào để lợi dụng, đã gây ra nhiều sự mâu thuẩn khiến đại chúng không hoà-hợp, khó lòng phân biệt đâu là chánh pháp đâu là tà pháp. Là một Phật tử vua Asoka rất lo ngại cho tiền đồ của Phật giáo nên đã cung thỉnh ngài Mục-Kiền-Liên-Tử-Đế-Tu (Moggaliputta-Tissa) ẩn tu trên núi A-Hô Hằng-Già (Ahogànga). Ngài Mục-Kiền-Liên-Tử-Đế-Tu đã cung thỉnh một ngàn vị Tỳ-kheo tụ tập tại Hoa-Thị-Thành để kiết-tập kinh điển (nhằm năm trị vì thứ 18 của vua Asoka) và hoàn thành trong 9 tháng. Nội dung kiết-tập kỳ này gồm đủ cả ba tạng Kinh, Luật và Luận tạng. Tương truyền Luận tạng tức «Thuyết sự» (Kathàvattnu) do ngài Đế-Tu trước tác nhằm phá tà hiển chánh giữa ngoại đạo và Phật giáo. Lần kiết-tập này chỉ thấy lưu truyền ở Nam phương Phật giáo. Ở Bắc phương Phật giáo không thấy ghi chép về thời kiết-tập này. Ngài Pháp-Hiển và Huyền-Trang ghi trong ký-lục các kỳ kiết-tập lần thứ nhất và thứ hai không thấy ghi chép lần thứ ba. Sự bất đồng ý kiến về giới luật vào thời kỳ kiết-tập lần thứ hai đã đưa đến một sự kiện thực tế của Tăng đoàn là sự xuất hiện Thượng-tọa-bộ và Đại-chúng-bộ. Tuy khác về hình thức nhưng mục đích đi đến giải thoát vẫn là một. Sự xuất hiện này bắt đầu từ thời kỳ kiết-tập lần thứ hai về sự bất đồng liên quan đến giới luật. Nhưng nó càng rõ nét hơn qua thời kỳ kiết-tập lần thứ ba khi ngài Đại-Thiên đưa ra năm việc, qua đó quan niệm về đại-thừa đã được gợi lên. Với năm điểm này ngài Đại-Thiên cho là phù hợp với PG trong đó ngài cũng nêu sự khiếm khuyết của cảnh giới A-La-Hán của Tiểu-thừa. Từ đó cũng là manh nha cho sự hình thành các tư tưởng đại-thừa sau này. Khoảng 600 năm sau khi Phật diệt-độ (khoảng thế kỷ thứ 2 sau tây lịch), vua Kaniska đã cung thỉnh chư Tăng tụ họp tại xứ Kasmitra để kiết-tập kinh điển lần thứ tư. Kỳ kiết-tập này được tổ chức tại Tinh-Xá-Hoàng-Lâm (Kundalavana-Samgharàma) do các ngài Thế-Hữu (Vasumitra) làm thượng thủ. Ngoài ra còn có chư vị Pháp-Cứu (Dharmatràtà), Diệu-Âm (Ghosa), Giác-Thiên (Buddhadeva) và Hiếp-Tôn-Giả (Pàrsva). Các ngài cùng với 500 vị Tỳ-kheo có tiếng là học rộng và uyên thâm kinh điển đã cùng nhau chú-thích Kinh tạng gồm 100 ngàn bài tụng, Luật tụng 100 ngàn bài tụng và Luận tạng (Abhidharma-Vibhàsa) 100 ngàn bài tụng, tổng cộng 300 ngàn bài tụng, gồm 660 ngàn lời. Kỳ kiết-tập này cả ba tạng Kinh, Luật, Luận đều được khắc vào bản đồng và phải mất 12 năm mới hoàn thành. Tương truyền rằng trong kỳ kiết-tập lần thứ tư này có ngài Mã-Minh (Asvaghosa) phụ trách phần nhuận sắc các văn bản trùng tụng. Sau khi hoàn thành vua Kaniska đã cho xây bảo-tháp lớn để lưu trữ cũng như phái binh lính canh gác cẩn thận đề phòng ngoại đạo trà trộn vào. Người tham học chỉ được tham khảo ngay tại chỗ không được đem ra ngoài. Phải nói vào thời kỳ kiết-tập kinh điển lần thứ tư, quan niệm đại-thừa mới chính thức nở rộ qua sự xuất hiện của ngài Mã-Minh. Ngài trước tác được hơn 100 bộ kinh luận, nhưng còn lưu truyền trong đại tạng kinh Trung-Hoa gồm các bộ sau: 1/ Phật-Sở Hạnh-Tán (Buddhacaritakàvya) 5 quyển do ngài Đàm-Vô-Sấm (Dharmaraksa dịch). Nội dung ca ngợi tán thán những công đức của Đức Phật. 2/ Đại-Trang-Nghiêm Luận-Kinh (Mahàlankàrasùtrasàstra) 15 quyển do ngài La-Thập (Kumàrajiva dịch). Là những lời biện luận nhằm để phá ngoại đạo. 3/ Thập-Bất-Thiện-Nghiệp-Đạo-Kinh 1 quyển do ngài Nhật-Xứng (Sùryayasas dịch). Là những lời khuyên để tránh nhân thập ác là địa ngục. 4/ Lục-Thú-Luân-Hồi Kinh 1 quyển do ngài Nhật-Xứng dịch. Nói rõ nghiệp nhân luân hồi trong sáu ngã. 5/ Sự-Sư-Pháp Ngũ-Thập-Tụng 1 quyển do ngài Nhật-Xứng dịch. 6/ Ni-Kiền-Tử Vấn Vô-Ngã Nghĩa Kinh 1 quyển do ngài Nhật-Xứng dịch. Ở đây thì mượn lời hỏi của Ni-Kiền-Tử để giải nghĩa đại-thừa, nói cái tâm-tính bản tịnh, chư pháp vô ngã, nhất thiết giai không. Đây là một trong những đoạn văn ngắn, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. 7/ Đại-Tôn-Địa Huyền-Văn Bản-Luận (Mahàyàna bhúmigukyavàcàmùla-sùtra) 20 quyển do ngài Chân-Đế (Paramàrtha dịch). 8/ Đại-Thừa Khởi-Tín Luận (Mahàyànàsraddhotpàda-sùtra) 1 quyển. Ngài Chân-Đế dịch đời Hậu-Đường, ngài Thực-Xoa-Nan-Đà (Siksànanda) dịch lại thành 2 quyển gọi là tân-dịch (Lược Sử Phật Giáo Ấn-Độ, HT Thích Thanh Kiểm, trang 169, 170). Sự ra đời của ngài Mã-Minh đã đáp ứng được nhu cầu của Phật giáo thời bấy giờ. Thời điểm mà sự bất đồng ý kiến của hai phái Thượng-tọa-bộ và Đại-chúng-bộ về giới luật cũng như là giáo lý. Bồ tát Mã-Minh là người thông suốt cả hai khuynh hướng tiểu-thừa và đại-thừa nên những trước tác cũng như với tài biện luận ngài đã hóa giải được những bất đồng còn tồn tại từ thời kỳ kiết-tập lần thứ hai và ba. Khi ông (Thiện Chiếu) viết (trang 21): «Những chuyện thần thoại đầy dẫy trong Đại tạng không những làm mê hoặc mà còn đe dọa «chúng sanh», nên ai không tin và phỉ báng «Phật, Pháp, Tăng» sẽ bị vào địa ngục, chịu khổ kiếp kiếp đời đời». Lê An Bình: Ông Thiện Chiếu đã bài bác trực tiếp vào thuyết nhân-quả và luân-hồi của Phật giáo. Nghĩa là ông khuyến khích mọi người mở rộng cửa của hàm tàng thức để thi hành mọi điều ác, bất chấp hậu quả hiện đời và mai sau. Đồng thời ông cũng gián tiếp chỉ trích vào ngài Mã-Minh là người đã nhắc nhở chúng sanh làm lành lánh dữ dè chừng quả báo địa ngục luân hồi qua các bộ Thập-Bất-Thiện-Nghiệp-Đạo-Kinh và Lục-Thú-Luân-Hồi Kinh. Do đó cũng chẳng biết ông đứng về Tiểu-thừa để bài bác Đại-thừa hay ngược lại bởi vì, theo ông nói (TChiếu trang 21) «sự thật đều bị xuyên tạc» . Ông nói tuy rất chung chung, không có dẫn chứng rõ ràng, nhưng có mục đích hẳn hòi (là những chuyện không có nhưng ông Thiện Chiếu đã dựng đứng để đả phá Phật giáo và Phật giáo Việt Nam), vã lại trong cách trình bày, ông rất khinh thường người đọc, xem như trên đời này không ai bằng ông cả, để rồi ông muốn viết như thế như thế nào thì viết, muốn nói ra sao thì nói. Nhưng ông đã lầm, vì Chơn Thật Bất Hư! Thiện Chiếu (trang 46, chương Phật): «…Phật đã phản đối chống lại giai cấp, chống bất công xã hội, chủ trương «tất cả chúng sanh đều bình đẳng» tại sao không làm khác đi, chẳng hạn như «cách mạng vô sản». Lê An Bình: Ông Thiện Chiếu đã quá cạn cợt và tìm cách gán ghép một cách gượng gạo giữa chủ trương «tất cả chúng sanh đều bình đẳng» và khẩu hiệu tuyên truyền «cách mạng vô sản» của cộng sản Việt Nam. Đức Phật chủ trương bình đẳng là vì ngài mong rằng tất cả mọi người sẽ giác ngộ như ngài không khác. Tới chừng đó sẽ không còn là giáo chủ hay tín đồ gì cả, chỉ có chư Phật đồng bản thể. Hơn nữa theo truyền thống đại-thừa «Tất cả chúng sanh đều bình đẳng» là khuyến khích mọi người hướng về đức Phật trong tâm của mình để lễ lạy thờ cúng chứ nên tìm cầu bên ngoài. Do vì lý do đó khi vua Trần Thái Tông bỏ cung đình vào núi để tìm Phật thì Phù-Vân Quốc-Sư nói rằng: «trong núi vốn không có Phật». Nghĩa là khi ta còn bị phiền não ngự trị trong tâm thì ta cần nương theo hình tượng Phật bên ngoài để tu hành, nhưng lúc phiền não trong lòng đã được lắng đọng thì chỉ có việc nương tựa hình Phật mà ta mang trong người thì mới mong liễu sanh thoát tử. Ông Thiện Chiếu không khuyến khích mọi người làm thế. Ông bỏ giác (bỏ Phật tự tâm) để chạy theo mê (chủ nghĩa cs) đó là chuyện của ông, chẳng những thế còn đốc thúc người khác đi theo con đường tà-kiến thật là không phải chút nào. Để thuyết phục người khác nghe theo mình, ông còn gượng gạo gán ghép chủ trương của PG là từ bi hỷ xả và bạo lực đàn áp của cộng sản lại thành một thì làm sao coi cho được. Sự việc đó chỉ có hại cho đạo pháp chứ chẳng có ích gì cả. Thiện Chiếu (trang 93): «…Phật nói - Thế là các ngươi không phải là thầy tu mà nói mình là thầy tu, không trong sạch mà nói mình đã trong sạch, chưa hiểu chân lý mà cho rằng đã hiểu chân lý…Như vậy thà gieo mình vào lửa mà chết còn tốt hơn làm sư không giới hạnh…» Thiện Chiếu (trang 94): «…với lý tưởng tự do bình đẳng, bác ai từ bi, nếu sanh vào thời đại này, có đủ điều kiện để thực hiện, nhất định Thích Ca Mâu Ni sẽ áp dụng biện pháp khác, hình thức khác, tích cực, đại chúng và khoa học, không để sót một «chúng sanh» nào thiệt thòi về mặt luyến ái! (tức nhu cầu phải có của 1 con người).» Lê An Bình: Phần này Thiện Chiếu đã chỉ trích phương pháp (tức giới luật) mà Đức Phật quy định cho Tăng chúng là thụ động, cục bộ và không khoa học. Với tấm lòng từ bi vô thượng Đức Phật đã căn dặn chư Tăng là muốn đạt đến cảnh giới giải thoát rốt ráo, thì Tăng sĩ cần phải ly dục từ thân cho tới tâm để giữ gìn giới hạnh thanh tịnh. Nhưng cần nhớ một điều là những lời đức Phật dạy, mọi tín đồ dù Tăng hay Tục có thực hiện hay không cũng đều do tự họ quyết định cả. Nghĩa là tự nguyện không ai bị ép buộc cả. Hàng Phật tử tại gia và xuất gia sở dĩ thọ trì các giới luật của đức Phật ban hành vì thấy được lợi ích thật sự trong đó. Ông Thiện Chiếu cố tình bẻ quẹo và bỏ qua chi tiết rất quan trọng này có phải chăng muốn cổ võ cho người Phật tử phá đạo để theo đảng cộng sản của ông? Theo tôi (Lê An Bình) nghĩ rằng những người Phật tử Việt Nam chân chánh sẽ «bỏ mình chứ không bỏ hạnh (đạo hay giới luật)» mà Lục Độ Tập Kinh đã ghi lại từ ngàn xưa cho tới bây giờ. Thiện Chiếu (trang 96): «…Học thuyết «cứu nhân độ thế» - Tự do bình đẳng, bác ái - Phật tận tụy xây dựng suốt 45 năm, bị những kẻ tự xưng «con nhà họ Thích» phá hoại tan tành, học thuyết ấy không phải «thiên ma ngoại đạo» phá hoại được, cũng như các loại thú rừng sợ đến nỗi không bao giờ chạm đến lông Sư tử, chỉ có «giòi trong mình sư tử giết chết sư tử» thôi!». Lê An Bình: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Thiện Chiếu về câu phát biểu này. Khi còn tại thế, Đức Phật nói với các thầy Tỳ-kheo rằng: «chánh pháp của ta không ai có thể phá hoại được, kể cả thiên ma ba tuần và ngoại đạo. Chỉ có đệ tử của ta mới phá hoại được chánh pháp của ta». Ở đây Đức Phật muốn nói những người không thật tâm cầu đạo giải thoát, họ giả dạng làm Tăng sĩ trà trộn vào Tăng chúng tìm cách gây phân hóa cũng như phá hoại Phật giáo, đây là hình thức «thực trùng sư tử nhục». Chính ông (Thiện Chiếu) là một thí dụ điển hình. Bạch cùng chư vị Tôn đức và thưa quý đạo hữu, Thiết nghĩ chúng tôi đã trình bày được một phần nào sự hiểu biết kém cõi về Phật giáo của bản thân để góp phần vào việc xiển dương chánh pháp nhằm đối phó lại những âm mưu muốn bôi đen cũng như làm xâm hại đến giáo lý từ bi của đức Phật. Như trên tôi có trình bày thì dù cho Phật giáo có gặp nghịch cảnh gì đi nữa, nhưng Chân Thật vẫn Bất Hư. Hiện tượng những người mặc áo Tăng sĩ, với danh xưng là Hòa thượng hay Thượng tọa xuất hiện để công kích Phật giáo cùng Phật giáo Việt Nam đã là điều phổ biến không thể nào xem thường được. Như chúng tôi đã ghi nhận, có ba trường hợp đó là Thiện Chiếu, Thông Lạc và Chơn Quang. Tuy xuất hiện khác thời điểm Thiện Chiếu (năm 1970 rồi 2000), Chơn Quang (năm 2002), Thông Lạc (2002-2003), nhưng nội dung đả phá Phật giáo của họ vẫn cùng một luận điểm. Đó là phủ nhận ngôi Tam Bảo, phủ nhận công đức của liệt vị Tổ sư tiền bối cũng như phủ nhận sự hưng thịnh của nền Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần, đồng thời bài bác các pháp môn tu tập giải thoát v.v…. Mục đích để làm cái gì, họ có ẩn ý chính trị phía sau hay không, đây là câu hỏi chúng ta cần phải quan tâm một cách cẩn trọng. Trong ba người này, thì Thiện Chiếu đã chết vào năm 1974, nhưng các di sản tinh thần độc hại của đương sự vẫn còn được lưu truyền trong nước. Hơn nữa, ông Thiện Chiếu là đảng viên cộng sản, thì những gì ông để lại chắc chắn được cộng sản Việt Nam tích cực phổ biến và xem đây là khuôn mẫu lý luận để tiêu diệt Phật giáo chính thống. Có thể một số đạo hữu không đồng ý với nhận định này của tôi, tuy nhiên, tôi xin đặt một câu hỏi. giả sử như nền Phật giáo chính thống không may bị mai một thì ai sẽ là người hưởng lợi. Và rồi nền tảng tinh thần nào sẽ được dân Việt nương tựa trong lúc khổ đau. Câu trả lời sẽ là không có gì cả. Nếu có chăng sẽ là Phật giáo kiểu xã hội chủ nghĩa mà Thiện Chiếu, Thông Lạc và Chơn Quang đã đưa ra, liệu chúng ta có chấp nhận hay không? Đối với tôi rõ ràng sẽ là không, dứt khoát là không và tôi nghĩ rằng chư quý Tôn Đức cũng như quý đạo hữu sẽ không chấp nhận chuyện đó. Chuyện mà nền Phật giáo chính thống bị tiêu diệt hay làm biến chất và được thay thế vào là Phật giáo kiểu cộng sản chủ nghĩa. Hơn nữa, khi cộng sản chiếm được miền Nam vào 1975, để có thể dễ dàng thống trị người dân, họ đã tìm cách tiêu diệt những thành quả văn hóa, tư tưởng, đạo đức v.v...mà Việt Nam Cộng Hòa đã thành tựu một phần nào, mặc dù phải luôn luôn đối phó với hiểm họa chiến tranh do cộng sản phát động. Đối với Phật giáo Việt Nam, ngoài việc khống chế về mặt hình thức, csvn còn muốn khống chế luôn về mặt tinh thần. Mặt tinh thần ở đây là làm sao thay đổi hoàn toàn nội dung các kinh sách Phật đã được chư vị Tôn Đức Tăng Già cũng như Cư sĩ tiền bối dầy công biên soạn và phát hành trước năm 1975. Ở mặt nầy họ không thể tiêu hủy cùng một lúc các kinh sách Phật. Việc hay nhất để cho những người có cảm tình với cộng sản hoặc là công an cộng sản mặc áo Tăng sĩ để làm chuyện thay đổi hoàn toàn hệ thống tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, như thế mới danh chánh ngôn thuận đối với họ. Đây là một âm mưu khá nguy hiểm của cộng sản Việt Nam, một âm mưu nhằm phá hòa hợp Tăng. Thưa quý Tôn Đức và quý đạo hữu, Sự xuất hiện của Thiện Chiếu, Chơn Quang và Chơn Lạc không phải là tình cờ và nó sẽ còn tiếp diễn trong những thời gian tới. Nó phải có sự sắp đặt, tôi nghĩ rằng khi viết câu này tôi không quá chủ quan. Sự sắp đặt đó phải đến từ Hà Nội hoặc từ Ban Tôn Giáo của việt cộng nhằm mục đích triệt hạ Phật giáo chính thống để tìm cách khống chế người Phật tử VN hoặc ít nhất cũng tạo sự hoang mang nghi ngờ làm giảm niềm tin vào chánh pháp của Đức Như Lai. Nội bao nhiêu chuyện đó không nếu thực hiện được họ cũng đã thành công rồi. Cách đây một thời gian tôi tình cờ đọc được một bài viết của thầy Tuệ-Sỹ nói về hiện tượng Phật giáo trong nước đang bị dần dần biến chất có lợi cho những khuynh hướng ngoại đạo đã khiến cho tôi rất lo ngại. Giờ đây khám phá thêm một số nhân vật như thế này, tôi càng lại lo ngại thêm. Trong tình thế này chúng ta phải làm sao đây? Giữa lúc tình hình nhân quyền Việt Nam chưa được sáng tỏ, mà lại có thêm hiện tượng Phật giáo chính thống của chúng ta đang bị tấn công, người Phật tử phải đối phó làm sao đây? Tôi nhớ nguyên do thời kỳ kiết-tập kinh điển lần thứ nhất, khi ngài Ma-Ha Ca-Diếp nghe được trong hàng Tỳ-kheo có vị nói: «Trong thời Đức Thích Tôn còn tại thế, mọi hành động đều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do, ngày nay Đức Thích Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động không bị giới luật ràng buộc». Tôn giả Ma-Ha Ca-Diếp nghĩ rằng, Đức Bổn Sư mới thị tịch có bảy ngày, mà trong đệ tử có người thốt ra lời nói phá hoại chánh pháp như thế. Và để tránh cho Phật Pháp bị ngoại đạo trà trộn làm mất đi tính đặc thù, nên ngài đã triệu tập ngay đại hội kiết-tập kinh điển. Ngài Ca-Diếp chỉ nghe nói thôi, lúc đó chưa có phương tiện ấn loát cũng như chưa được phổ biến nhiều mà ngài còn phản ứng như thế. Ngày nay chúng ta đứng trước một âm mưu được tiến hành có hệ thống thì giải quyết ra sao? Chúng tôi xin mạn phép đề nghị chư quý Tôn đức Tăng già lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng như chư quý cư sĩ Phật tử hãy tổ chức một đại hội khoáng đại để khẳng định tính chính thống của các kinh điển đại-thừa cũng như nguyên-thủy đồng thời tuyên xưng công đức các bậc tiền bối Tổ sư đã có công lao đối với Phật giáo Việt Nam. Chẳng thà chúng ta đi bước trước, còn hơn là chờ đợi thụ động để đỡ những đòn tấn công của những kẻ ngoại đạo giả danh Phật giáo làm hoang mang người Phật tử và nguy hiểm cho đạo pháp. Thể theo lời kêu gọi của đạo hữu Tâm Diệu, người trách nhiệm trang nhà Thư Viện Hoa Sen trong việc góp ý những bài viết của ông Thông Lạc, vì thấy việc ông Thông Lạc đã có nhiều người viết, tôi có viết thêm có thể sẽ trùng lấp làm mất thời giờ quý báu của chư Tôn Đức cùng quý đạo hữu. Trường hợp của Chơn Quang cũng đã có nhiều phản luận được đăng trên trang nhà Lotuspro.net, quý vị có thể vào tham khảo. Riêng trường hợp của Thiện Chiếu là khá mới, chưa ai (có thể) được biết hoặc thấy phổ biến trên các diễn đàn nên tôi mạo muội ghi vội vài hàng để hầu chư liệt vị. Sau khi tôi đã trình bày về những gì mà Thiện Chiếu viết về Phật giáo, thì quý đạo hữu thấy người này có còn xứng đáng để trong Tiểu sử Danh Tăng hay không đó là tùy nhận thức của người phụ trách. Vì hành động của những người này chỉ nhằm kết đảo huyền đạo pháp và dân tộc mà thôi. Một lần nữa trước khi chấm dứt, đệ tử Lê An Bình đê đầu đảnh lễ tam bái cung thỉnh chư vị Tôn Đức Tăng Già hãy vì tiền đồ của Phật giáo và dân tộc sớm thực hiện một cuộc kiết-tập thời đại để khẳng định tính chính thống của kinh điển đại thừa cũng như truy tán công đức của chư liệt vị lịch đại tổ sư tiền bối. Đây là một việc làm cần thiết và cấp bách hơn lúc nào hết. Xin trân trọng tán dương công đức của chư quý Tôn đức. Cuối cùng kính chúc chư quý liệt vị Tín Tâm Kiên Cố Đạo Niệm Tin Chuyên. Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Nguyện Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
Phật lịch 2547, tháng 6 năm Quý Mùi, ngày 07/07/2003 -Nhóm Nghiên Cứu Và Phổ Cập Văn Hóa Phật Việt- Cư sĩ Trúc Lâm Lê An Bình
Tham khảo : - Lược Sử Phật Giáo Ấn Độ, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Quê Hương tái bản lần thứ nhất 1972, Sài Gòn Việt Nam. - Thiền Học Trần Thái Tông, cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục, chùa Khánh Anh tái bản tại Paris, 1988. - Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Hòa thượng Thích Mật Thể, nhà xuất bản Minh Đức phát hành 1960, Sài Gòn Việt Nam. - Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 2, giáo sư Lê Mạnh Thát, www.thuvienhoasen.org. Hoằng Pháp Thị Gia Vụ Trí Tuệ Vi Sự Nghiệp
--o0o-- Cập nhật : 01-08-03 |
Biên tập nội dung : Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ : quangduc@quangduc.com