Trang tiếng Việt

 Trang Nhà Quảng Đức

Trang tiếng Anh

Bồ Tát Thích Quảng Đức


 

 

 


Hành động tử vì đạo
của Thích Quảng Đức


Hòa thượng Thích Quảng Đức, tên tục là Lâm Văn Tức (
1897 - 11 tháng 6 năm 1963) là một hòa thượng phái Đại thừa đã tẩm xăng tự thiêu tại một ngã tư đông đúc ở Sài Gòn vào ngày 11 tháng 6 năm 1963. Hành động tự sát này của Thích Quảng Đức nhằm phản đối sự đàn áp của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tấm ảnh chụp hòa thượng tự thiêu đã được truyền đi rộng khắp thế giới và gây nên sự chú ý đặc biệt tới chính sách của chế độ Diệm. Nhà báo Malcolm Browne đã giành giải Pulitzer nhờ bức hình mang tính hình tượng này trong khi David Halberstam cũng được trao giải nhờ có bản tường thuật sự kiện. Sau khi chết, thi hài của Thích Quảng Đức đã được hỏa táng lại nhưng điều kỳ lạ là trái tim của ông thì vẫn còn nguyên. Đây được coi là biểu tượng của lòng trắc ẩn, dẫn đến việc giới Phật tử suy tôn ông thành vị Bồ tát, phần nào làm tăng lên sức ảnh hưởng của vụ tự thiêu lên dư luận.

Hành động tử vì đạo của Thích Quảng Đức đã làm dấy lên sức ép của dư luận lên chính quyền Diệm, dẫn tới việc tổng thống Diệm phải đưa ra những cải cách nhằm làm xoa dịu giới chức sắc Phật giáo. Tuy nhiên, những cải cách như đã hứa đó lại được thực hiện một cách chậm chạp hoặc không triệt để khiến tình hình càng trở nên xấu hơn. Phong trào phản kháng vẫn tiếp tục dâng cao. Lực lượng đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu, em trai tổng thống đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bất ngờ và chớp nhoáng vào các chùa chiền khắp cả nước gây nên nhiều thương vong và lấy được trái tim của Thích Quảng Đức. Nhiều nhà sư khác cũng đã tự thiêu theo chân Thích Quảng Đức. Cuối cùng, một nhóm quân nhân dưới sự chỉ huy của một số tướng lĩnh đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính quyền và giết chết anh em Diệm tháng 11 năm đó. Hành động tử vì đạo của Thích Quảng Đức được coi như một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo dẫn tới việc xóa bỏ nền Đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam.

 

Những bản báo cáo về cuộc đời của Thích Quảng Đức được lấy từ những thông tin lưu truyền bởi các tổ chức Phật giáo. Theo đó thì ông sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là Nguyễn Thị Nương. Năm lên bảy tuổi, cậu bé Lâm Văn Tức xuất gia tu học với hòa thượng Thích Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư, vừa là cậu ruột. Cậu được hòa thượng Hoằng Thâm nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm mười lăm tuổi Lâm Văn Tức thọ giới Sa Di, năm hai mươi tuổi thọ Tỳ Kheo giới lấy tên là Thích Quảng Đức. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi ở Ninh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm, về sau ông đã trởi lại ngọn núi này để thành lập một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc[2].

Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp miền Trung để giảng pháp. Sau 2 năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên gần thành phố Nha Trang. Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Trong suốt thời gian ở miền Trung Việt Nam, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa. Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để giáo hóa, ông cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh diển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, ông đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy, ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cung là nơi ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm quận Phú Nhuận, Gia Định, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Đức. Ông đã từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, ông có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt. Khi trụ sở này đời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm[2].

Bối cảnh tôn giáo

Tại một đất nước mà 70-90% dân số theo đạo Phật[3][4][5][6] trong khi tổng thống Ngô Đình Diệm lại là con chiên của Công giáo, đã theo đuổi những chính sách mà các nhà sử học cho là rất thiên vị. Cụ thể, chính phủ Việt Nam Cộng hoà (VNCH) đã thiên vị Công giáo về các mặt dịch vụ công cộng cùng với các vị trí trong quân đội cũng như cắt đất, sắp đặt thương mại và giảm thuế[7]. Một lần, tổng thống Diệm đã nói với một quan chức cấp cao của mình mà quên mất rằng ông ta theo đạo Phật: "Hãy đặt những cấp dưới theo đạo vào các vị trí nhạy cảm. Họ có thể tin được"[8]. Nhiều sĩ quan trong quân lực VNCH đã cải đạo sang Thiên Chúa vì nghĩ rằng viễn cảnh quân đội sẽ phụ thuộc vào tôn giáo này[8]. Thêm vào đó, các loại súng tay cầm vốn dành cho lực lượng dân quân trong ấp chiến lược chống Cộng sản thì chỉ được phát cho những người theo đạo Thiên Chúa[9]. Một số cha xứ thậm chí còn có quyền chỉ huy quân đội riêng của mình, một vài trong đó bị ép buộc phải tấn công chùa chiền tại một số khu vực trong khi chính phủ cố tình làm ngơ[10]. Một số ngôi làng mà phần đông dân cư theo Phật giáo phải cải đạo hoặc bị cưỡng ép tái định cư[11]. "Tình trạng riêng" được áp đặt vào Phật giáo từ thời Pháp cai trị, vốn bắt buộc phải có sự cho phép chính thức từ chính quyền mới được tổ chức các hoạt động Phật giáo nơi công cộng, nay vẫn không bị bãi bỏ bởi Diệm[12]. Giáo dân trên thực tế là những người được miễn thuế (mặc dù không chính thức) và họ được nhần phần lớn viện trợ từ đồng minh Hoa Kỳ. Nhà thờ là những địa chủ lớn nhất cả nước và đất đai sở hữu bởi nhà thờ cũng được miễn thuế[13]. Lá cờ vàng-trắng của Vatican được treo ở công cộng trong suốt các sự kiện lớn ở miền Nam Việt Nam[14].

 

 
Lá cờ Phật giáo.

Sự bất bình của giới Phật tử bắt đầu nổ ra sau lệnh cấm ban hành đầu tháng 5 năm 1963 về việc treo cờ Phật giáo vào ngày lễ Phật Đản trong khi chỉ vài ngày trước đó, giáo dân được cho phép treo cờ Vatican trong một buổi lễ tấn phong Tổng giám mục xứ đạo Huế của Ngô Đình Thục, anh trai Ngô Đình Diệm. Một đám đông Phật tử phản đối lệnh cấm, bất chấp chính phủ bằng việc diễu hành ngoài trụ sở đài phát thanh với cờ Phật giáo trên tay, kêu gọi bình đẳng tôn giáo. Các lực lượng chính quyền đã phóng hỏa vào đám đông biểu tình và làm 9 người thiệt mạng[15]. Tổng thống Diệm đã từ chối nhận trách nhiệm về thương vong và đổ lỗi cho Việt Cộng khiến cho sự phản kháng càng dữ dội[16]. Vì Diệm vẫn miễn cưỡng chấp nhận 5 yêu sách của Phật tử nên tình hình càng ngày càng căng thẳng. Bản yêu sách gồm các điểm:

  1. Chính phủ bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo.
  2. Được tự do hành đạo như Công giáo.
  3. Xem xét lại dụ số 10 để không coi tôn giáo như một hiệp hội.
  4. Chấm dứt khủng bố đàn áp Phật giáo.
  5. Bồi thường cho các nạn nhân vụ đài phát thanh Huế và trừng trị kẻ gây đổ máu.
 

Chiếc xe Austin đưa HT Thích Quảng Đức đến nơi tự thiêu, hiện được trưng bày
tại Chùa Thiên Mụ ở Huế

 

 

Tự thiêu vì đạo

Ngày 10 tháng 6, phát ngôn viên của giới Phật tử tiết lộ cho các nhà báo Mỹ biết rằng "một cái gì đó quan trọng" sẽ xảy ra sáng hôm sau bên ngoài đại sứ quán Campuchia ở Sài Gòn[17]. Phần lớn phóng viên đều không đếm xỉa đến lời nhắn và ngày hôm sau, rất ít nhà báo xuất hiện trong đó có David Halberstam của tờ thời báo New York Malcolm Browne, lúc đó đang làm trưởng đại diện hãng thông tấn AP tại Sài Gòn[17].

Thích Quảng Đức xuất hiện trong một đám diễu hành bắt đầu từ một ngôi chùa gần đó. Khoảng 350 hòa thượng và ni cô dẫn đầu bởi một chiếc Austin Westminster chia làm hai nhánh giương cao khẩu hiệu bằng cả tiếng Việt tiếng Anh. Họ lên án chính quyền Diệm vì chính sách kỳ thị Phật giáo và đòi bình đẳng tôn giáo[17] . Ý định tự thiêu đã xuất hiện ở một nhà sư nhưng cuối cùng hòa thượng Thích Quảng Đức mới là người thực hiện[18].

Sự việc diễn ra tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt[a][17] (nay là ngã tư phố Nguyễn Đình Chiểu và đường Cách mạng tháng Tám). Thích Quảng Đức đi ra từ chiếc ô tô cùng với hai nhà sư khác. Một người đặt một tấm nệm xuống đường còn người kia mở cabin xe và lấy ra một bình xăng dung tích 5 gallon. Vì đoàn diễu hành đang tạo thành nhiều lớp vòng tròn xung quanh mình, Thích Quảng Đức bình tĩnh ngồi thiền trên tấm đệm. Hai nhà sư cùng đi bắt đầu trút xăng lên đầu ông. Thích Quảng Đức lần tràng hạt và bắt đầu niệm: "Nam Mô A Di Đà Phật" trước khi tự tay châm lửa bằng diêm. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt của vị hòa thượng, khói đên bốc lên từ cơ thể đang cháy bùng của ông[17][19].

Sau đây là trích toàn văn lời tâm nguyện của hòa thượng Thích Quảng Đức trước lúc tự thiêu:

Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định).
Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

 
  1. Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.
  2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.
  3. Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.
  4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.
Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật

Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão

Tỳ kheo Thích Quảng Đức

Kính bạch[2]


 

Phóng viên David Halberstam viết trên tờ thời báo New York:

 
I was to see that sight again, but once was enough. Flames were coming from a human being; his body was slowly withering and shriveling up, his head blackening and charring. In the air was the smell of burning human flesh; human beings burn surprisingly quickly. Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shocked to cry, too confused to take notes or ask questions, too bewildered to even think.... As he burned he never moved a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the wailing people around him.[20]


 

Tạm dịch:

 
Tôi lại thấy cảnh đó thêm lần nữa, dù một lần là đã đủ. Ngọn lửa lan ra từ một con người; thân thể ông từ từ cháy khô và teo nhăn lại, đầu của ông đen dần và hóa thành than. Mùi cháy khét của thịt người tỏa vào trong không khí; con người có thể cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Phía sau, tôi có thể nghe tiếng khóc của những người Việt giờ tụ tập tại đó. Tôi đã quá sốc để có thể khóc, quá bối rối để có thể ghi chép lại hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng để có được ngay cả ý tưởng... Khi cháy, ông ấy không hề cử động một bắp thịt nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với cảnh những người khóc than xung quanh.


 

Cảnh sát đã cố ngăn vụ tự thiêu nhưng không thể xuyên qua được đám đông Phật tử đang vây quanh Thích Quảng Đức. Một cảnh sát phi mình vào và phủ phục trước hòa thượng nhằm tỏ lòng kính trọng[18]. Những người chứng kiến phần lớn sửng sốt trong yên lặng, số khác thì khóc thét và bắt đầu cầu nguyện. Nhiều nhà sư và ni cô cũng như người qua đường vì quá bàng hoàng đã quỳ lạy trước vị hòa thượng đang cháy bừng[18]. Một nhà sư đã nhiều lần tuyên bố trong một microphone bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: "Một nhà sư đã tự thiêu. Một nhà sư đã trở thành con người tử vì đạo"[17] .

Chừng 10 phút sau thì lửa tàn, Thích Quảng Đức đổ gục xuống đường. Một nhóm sư sãi đã bọc thi hài ông bằng áo cà sa vàng và đặt vào một chiếc áo quan bằng gỗ, nhưng không thể gập được tứ chi cho vừa khít. Một cánh tay của Thích Quảng Đức thò ra ngoài trong lúc áo quan được chở đến chùa Xá Lợi gần đó. Lúc 13:30, khoảng 1000 sư sãi tập trung trong chùa để họp trong khi bên ngoài, đám đông sinh viên ủng hộ Phật giáo tập trung giương biểu ngữ: "Một hòa thượng đã tự thiêu vì 5 yêu cầu của chúng tôi" và dàn thành hàng rào xung quanh ngôi chùa. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc và sư sãi quay trở lại ngã tư nơi Thích Quảng Đức tự thiêu. Khoảng 18:30, 30 ni cô và 6 nhà sư đã bị bắt vì tội tổ chức cầu nguyện trên phố bên ngoài chùa Xá Lợi. Cảnh sát lúc đó đã bao vây ngôi chùa và chặn đứng sự tiếp xúc với bên ngoài. Những người chứng kiến cảm thấy rằng một cuộc đàn áp vũ trang sắp xảy ra[21]. Chiều ngày hôm đó, hàng ngàn người dân Sài Gòn khẳng định rằng họ đã thấy ảo cảnh trên trời như khuôn mặt Đức Phật. Họ cho rằng Phật tổ đang nhỏ lệ[22].

 Vài dữ kiện sau khi tự thiêu

  • Đền thờ ông hiện còn ở Huế.
  • Sau khi mất, xác ông được đem hỏa thiêu. Trong lúc thiêu, trái tim ông co lại nhưng vẫn còn nguyên. Nó được xem như là một thánh vật và được cất giữ cẩn thận.[cần dẫn nguồn]
  • Ban nhạc Rock Rage Against the Machine trong thập niên 1990 đã cho in hình tự thiêu của Thích Quảng Đức trên bìa một album của họ.[cần dẫn nguồn]
  • Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu), được xem như đệ nhất phu nhân thời bấy giờ, đang công du Hoa Kỳ với mục đích "giải độc" các tuyên truyền của các lực lượng chống chính phủ Ngô Đình Diệm, đã phát biểu ý kiến của bà trong một cuộc họp báo về cuộc tự thiêu này. Trong đó bà dùng các từ như "barbecued monk, barbecue monk show"... (nướng sư) và tuyên bố là Thích Quảng Đức đã bị cho thuốc ("intoxicated") trước đó. Hậu quả là bà đã bị gán cho biệt danh Dragon Lady.[cần dẫn nguồn]
  • Đêm 20 tháng 8 năm 1963, Ngô Đình Diệm lại ra lệnh tấn công vào các chùa, bắt giam nhiều Tăng Ni, kể cả các người lãnh đạo Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo Việt Nam tại Chùa Xá Lợi. Đặc biệt, họ đã tìm cách tịch thu trái tim của Hòa thượng Quảng Đức tại chùa Xá Lợi nhưng nó đã sớm được đưa đi cất giấu nơi khác bởi một thiếu tá sỹ quan phật tử. Sau đó ông đã trao trả lại cho lãnh đạo phật giáo chùa Xá Lợi và sau năm 1975, Đảng Cộng sản quyết định coi trái tim xá lợi của ngài là quốc bảo và giữ gìn rất cẩn thận.[cần dẫn nguồn]

• a)^  Trong ảnh vệ tinh (10°46′31″N 106°41′13″E / 10.775159, 106.686864) là ngã tư nơi Thích Quảng Đức tự thiêu: Đại lộ Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) hướng Đông Bắc-Tây Nam và phố Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) hướng Tây Bắc-Đông Nam. Góc phía Tây của ngã tư có một đài tưởng niệm Thích Quảng Đức. Trong nhiều năm thì trạm xăng Petrolimex đứng ở góc phía Bắc, nhưng nay đã bị thay thế bởi một công viên tưởng nhớ Thích Quảng Đức.

Tham khảo

 

http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Qu%E1%BA%A3ng_%C4%90%E1%BB%A9c#CITEREFNh.E1.BB.8B_T.C6.B0.E1.BB.9Dng2005

 

 

----o0o---

 

Cập nhật: 9-2008


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Trang Mục Lục

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ Kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp cho Trang Nhà qua địa chỉ: quangduc@tpg.com.au
Địa chỉ gởi thư: Tu Viện Quảng Đức, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic. 3060. Tel: 61. 03. 9357 3544